Ở cù lao Tân Lộc (thuộc phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt, TP. Cần Thơ) hiện có trên mười ngôi nhà cổ, nhưng giữ gìn được nguyên trạng đặc trưng thì có lẽ chỉ còn ba nhà tiêu biểu cho kiến trúc của nhà cổ Nam bộ. Đó là nhà của các ông bà Nguyễn Ngọc Lân, Nguyễn Văn Thi và Huỳnh Công Tính.
Hai ngôi nhà của ông Lân, ông Tính có tuổi đời trên 95 năm, riêng nhà ông Thi đã trên 150 năm. Những nhà này có nét chung là tất cả vật liệu từ cột, kèo, song tiền, thần vọng cho đến những thanh nhỏ nhất như rui mè đều làm bằng gỗ, được thiết kế theo phong cách nhà rường đúng nghĩa.
Cách cấu tạo của ngôi nhà cổ được chia làm ba bộ phận, đầu tiên là cột nhà được làm bằng lõi cây quý như cam xe, gõ đỏ. Tiếp đó, rường và kèo cũng được làm từ những loại gỗ quý. Rường là “hồn” của căn nhà vì là bộ phận tạo nên sự liên kết giữa các cột nhà với nhau, giữa gian này với gian kia. Theo ông Lân, ngày xưa, khi làm bóng cột nhà, song tiền, các phù điêu của các ngôi nhà, người thợ phải dùng đến vỏ chai thủy tinh để cà làm bóng.
Ngoài ra các lỗ mộng để gắn cột, rường, kèo lại với nhau thường nêm bằng gỗ chứ không đóng đinh. Ở ngoài nhìn vào thấy căn nhà cổ hơi thấp, nhưng vào bên trong lại rất cao và rộng rãi. Những vật dụng trong căn nhà đều là những tuồng tích cổ xưa được chạm trổ hoa văn, cẩn ốc, lộng hình ảnh.
Nhà của ông Thi có cả hai loại rường là rường chính (ngang) và rường phụ (dọc), cùng các kèo nhà là những thanh chính đỡ mái nhà xuôi từ nóc đến cột. Rường được chạm trổ hoa văn.
![]() |
Thảo bạc nơi nhà chính của ông Thi |
Thảo bạc rộng 8m nối liền với căn nhà chính sâu 12m nhờ trính, xuyên liền nối từng đoạn theo lồng căn, kèo chạm trổ theo kiểu võ đậu chắp nối ba đoạn, ở giữa có trụ chỏi lên tạo thêm sự chắc chắn cho ngôi nhà. Nội thất được chia thành năm vọng, trong đó ba thành vọng chính được chạm hoa văn, cẩn ốc và treo liễn đối.
Ở gian giữa nhà có bức tranh Ngũ Phúc Lâm Môn, bên phải là bức Nhị Thập Tứ Hiếu, bên trái là Mẫu Đơn Trì. Bốn câu liễn thuộc loại gỗ gõ quý, cẩn ốc bóng láng tả cảnh bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông và hướng dẫn cách uống trà theo từng mùa. Bên cạnh bốn câu liễn là những câu thơ nói lên họ tộc nhà Nguyễn “Phước Sinh Tồn”, trên hòa dưới thuận. Ba tủ thờ được cẩn ốc bóng lộn.
Những căn nhà làm kiểu “song tiền” tạo nên nét riêng, đều không có cửa chính, chỉ có cửa hông nên hơi bất tiện khi có đám tiệc (vì phải tháo các song tiền ra).
![]() |
Đi văng gỗ đỏ của ông Nguyễn Ngọc Lân dày hai tấc |
Bên trong những nhà cổ, không thể thiếu bàn, ghế, phản ngựa. Nhà của ông bà Thi có đến hai bộ tràng kỷ và một bàn xoay. Đặc biệt bộ bàn, bốn ghế ngồi và hai ghế để chậu bông mặt bằng cẩm thạch, cách đây mười năm đã có người đến trả 50 cây vàng. Nhà ông Lân có bộ đi văng bằng gõ đỏ, kích thước 2,2 x 3,3(m), dày 20cm, phải 20 người khiêng mới nổi, đã có người trả 25 cây vàng nhưng ông bà không bán.
Bộ đi văng này là hầm trú ẩn cho gia đình ông Lân thời chiến tranh. Nhà của ông Tính lại có những thành vọng dựng cao theo cột khoảng 6m, đều chạm khắc nhiều bức tranh có cẩn ốc. Riêng chiếc tủ thờ còn nguyên trạng, trên đó có ghi sản xuất năm 1915.
Những ngôi nhà cổ ở phường Tân Lộc có giá trị kiến trúc và nghệ thuật cao, là di sản quý báu của ông cha để lại. Cho đến nay, trải qua thời gian, sau bao mưa nắng, nhiều nhà cổ đã bị xuống cấp hoặc được thay đổi chức năng, song vẫn còn một số ngôi nhà như đã giới thiệu còn giữ gìn nguyên trạng và đó chính là một nét đẹp độc đáo ở chốn quê, cũng là điểm hấp dẫn đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, chiêm ngưỡng.
![]() |
Nhà cổ song tiền của ông bà Thi |
![]() |
Bộ bàn ghế cẩm thạch nhà ông Thi |
![]() |
Tủ gỗ cẩn của ông Tính còn ghi năm sản xuất 1915 |
Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần