Ông nói, mọi việc bắt đầu như một “nhân duyên tiền định”. Vốn là thầy giáo làng đam mê lịch sử, nhưng vốn liếng từ sách vở mà ông nghiền ngẫm chưa nghe nói về những “tàng thư” được cất giữ dưới đáy sông. Trong một lần đi làm công việc của bà mụ đỡ đẻ, vợ ông đã nhận được “quà” đền ơn từ một người thợ lặn xóm vạn chài: một chiếc bình gốm cũ được tìm thấy dưới đáy sông Hương. Càng săm soi nhìn ngắm, ông càng thấy bị cuốn hút bởi những chi tiết thể hiện trên bình. Linh tính cho ông biết, đây chính là “chìa khóa” mở thêm một… cánh cửa tìm về quá khứ.
Lần theo dấu vết của chiếc bình, ông mới biết rằng, những người thợ lặn trên sông Hương, sông Bồ, sông Ô Lâu trong cuộc mưu sinh tìm sắt thép vụn dưới sông đã “gom” về không ít chiếc om, nồi, đèn, bình vôi, ống nhổ… Ban đầu họ vớt về quăng khắp nơi, ngoài ngõ, ngoài đường, sau “tập hợp” chờ ông đến để bán. Đồng lương nhà giáo ít ỏi nuôi gia đình với bảy đứa con ăn học, ông đã phải dè sẻn mọi chi tiêu để có thể dành tiền mua những món “trời ơi” như vậy.
![]() Ông Hồ Tấn Phan bên gốm cổ |
Năm 1977, dù nghỉ dạy vì mất sức, không có thu nhập, nhưng nếu vuột mất một món đồ ưng ý thì ông như người thất tình ngơ ngơ, ngác ngác. Biết tình cảm của chồng, người bạn đời của ông lẳng lặng giúp ông. Những năm 1980, khi các cỗ máy khai thác cát sạn trên sông vào cuộc cũng là lúc số lượng những món đồ trục vớt dưới nước tìm thấy nhiều hơn. Nhưng cũng từ đấy, ông xót xa nhận ra nhiều món còn nguyên đã vô tình bị máy xúc làm gãy vụn. Ông đi nhiều hơn, nhặt nhạnh nhiều hơn mong gom cho bằng hết “những mảnh vỡ thời gian” về để tìm tòi nghiên cứu. Đến nay, ít ai biết rằng, ông đã có được “gia tài” gần 10 ngàn món mà nhiều nhà nghiên cứu… mê mẩn.
Ngoài những món đồ gốm Chu Đậu có niên đại hàng ngàn năm, qua những tài liệu nghiên cứu, ông đã tìm được không ít hiện vật gốm từ thời Đông Sơn, Champa, cho đến thời Lý, Trần, Lê… Thậm chí, còn có cả các hiện vật thời Tống của Trung Quốc và một số ít của Nhật, Pháp… Từ vô số hiện vật chứa đựng những chi tiết đặc trưng, ông tin rằng thời kỳ theo gót Huyền Trân công chúa đi mở đất phương Nam, người Việt không quên mang theo những vật dụng gốm truyền thống văn hóa của dân tộc: bình vôi, ống nhổ, ấm đất… Như bình vôi gắn liền với tục ăn cau trầu của người Việt, ông gom về được hơn 1.000 chiếc với nhiều loại, kích cỡ khác nhau. Những hiện vật có được giúp ông hiểu thêm về những tập tục tế tự, việc làng việc nước, giao tế xã hội của người xưa.
Chia sẻ cảm xúc này tại triển lãm cổ vật theo chủ đề “Dòng sông kể chuyện” diễn ra trong khuôn khổ Festival các làng nghề Huế 2009, ông đã “diễn đạt” với khách tham quan bằng một ngôn ngữ lãng mạn và dễ hiểu: “Dòng sông không kể chuyện bằng ngôn ngữ đời thường mà bằng hiện vật. Nó mang hơi thở thời đại từ mấy ngàn năm trước của tiền nhân”. Vì thế, ông phân loại và chia “bảo tàng” của mình thành tám chuyên đề: Dấu ấn của dòng sông, Mấy ngàn năm trước, Một thời Champa, Thuần phong mỹ tục, Thấp thoáng Thăng Long Đông Đô Hà Nội, Nối đêm vào ngày, Văn hóa ẩm thực, Đời thường xưa nay… Với ông, cổ vật cũng có linh hồn, nhất là với hiện vật gốm chứa đựng nhiều thông tin. Ngoài việc tình nguyện làm hướng dẫn viên khi các công ty du lịch đưa khách đến tham quan tại nhà, ông còn có thể ngồi hàng giờ đàm đạo với những người cùng sở thích.
Nói về niềm đam mê cổ vật dưới lòng sông của nhà sưu tập Hồ Tấn Phan, ông Nguyễn Duy Hiền, Giám đốc Trung tâm Festival Huế cho biết thêm: “Hơn 30 năm làm công việc sưu tầm và nghiên cứu cổ vật dưới lòng sông, ông giáo Hồ Tấn Phan đã trở thành nhà nghiên cứu sở hữu một kho kiến thức đồ sộ về lịch sử đất thần kinh, đặc biệt là thời nhà Nguyễn. Điều quý nhất ở ông chính là lòng đam mê vẫn còn nguyên vẹn cho đến nay và ông cũng sẵn lòng chia sẻ niềm đam mê ấy cho giới trẻ”.
Đã ở vào tuổi “thất thập”, cũng như nhiều nhà sưu tập gắn bó với cổ vật, ông muốn biến căn nhà của mình (28/5 Cao Bá Quát – Huế) thành một bảo tàng gốm nhỏ. Đó cũng chính là điều kiện để ông cùng dòng sông kể chuyện lịch sử, không hẳn chỉ một vài lần mà bất cứ ngày nào khi người yêu Huế có dịp tìm đến đất cố đô.
Cẩm Lệ (Theo Phunuonline)