Ngày mùng 4 Tết Kỷ Sửu, anh Tuấn có 3 gian trưng bày kỳ thạch và gỗ lũa tại Thành cổ Hà Nội, trong Hội xuân Hoàng thành Thăng Long. Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn Lê Mạnh Tuấn về kỳ thạch, về thú sưu tầm đặc biệt của anh.
– Anh bắt đầu công việc sưu tập kỳ thạch từ bao giờ?
Cũng phải ngót nghét 30 năm. Trước kia tôi là dân vật lý, sau đó làm địa chất rồi lại học tiếp mỹ thuật công nghiệp. Tiếp xúc nhiều với đá, dần dần tôi phát hiện ra tiềm năng đá Việt rất lớn. Tôi mê mẩn, lang thang tìm kiếm hết nơi này đến nơi khác những viên đá đẹp, quý. Bao nhiêu tiền làm được cũng đổ hết cả vào đá, mà giờ nếu tính thì số tiền ấy rất lớn.
– Bỏ ra một số tiền lớn chỉ để chơi đá thì quả phải là bậc đại gia mới dám
Nhiều người vẫn bảo tôi hâm, vì không phải đại gia mà dám bỏ tiền mua đá rồi để đấy. Nhiều khi, tôi tự mò mẫm, lăn lộn rừng suối tìm được những viên đá quý lắm, chứ không phải đơn giản là bỏ tiền ra mua. Tôi mê đá bởi vẻ đẹp của nó. Người chơi đá không chỉ thích vẻ đẹp hình dáng, cấu trúc mà còn phải hiểu được thông điệp của đá để từ đó có những ứng xử đúng. Nếu xét về tuổi đời, đá hơn con người cả thế kỷ, thậm chí có những viên tồn tại hàng nghìn năm rồi. Tôi nghĩ đá cũng có sức sống riêng và con người phải trân trọng nó.
– Ước tính thì gia tài kỳ thạch của anh đáng giá nhiều tỷ đồng, anh có ý định bán để làm giàu?
Tôi sưu tập đá không phải vì mục đích buôn bán mà muốn nghiên cứu kỳ thạch để truyền lại cho đời sau. Hơn nữa, tôi còn ước nguyện là sưu tập thêm những viên đá đẹp để chuẩn bị trưng bày vào dịp Hà Nội tổ chức Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Nếu có tiền, tôi rất muốn xây dựng một bảo tàng riêng về đá để cho con cháu đời sau được chiêm ngưỡng tiềm năng quý giá của đất nước mình. Đương nhiên, cũng có lúc tôi thuận ý bán nhưng với điều kiện là chỉ bán cho người nào có tâm. Tôi từng tặng một cậu sinh viên 1 viên đá vì cậu ấy nói nhìn vào viên đá đó thấy bóng dáng của ông nội. Tôi cũng từng đuổi một đại gia vì đã không có thái độ trân trọng khi giẫm chân lên kỳ thạch.
– Anh quý đá, trân trọng đá là vậy, liệu có lo lắng việc bảo vệ đá trong thời gian trưng bày tại Thành cổ?
Qua khoảng 6 lần triển lãm, tôi chưa một lần bị mất mát. Mọi người đều đến chiêm ngưỡng, bảo vệ và có hành động rất từ tốn. Đây là điều mà tôi rất trân trọng và yên tâm khi thực hiện trưng bày.
Theo tintuc.xalo.vn