Nói đến Nhật Bản, người ta nghĩ ngay đến núi Phú Sĩ, Samurai, món Sushi và hoa Anh Đào. Thế nhưng chỉ tính riêng các loại hoa, ngoài Anh Đào, xứ Phù Tang còn sở hữu một loài mang cái tên rất “nữ tính” và cũng đẹp không kém, đó là Chi Anh.
“Thôn nữ kiêu sa” mà mong manh
Thực ra hoa Chi Anh (shibazakura) có nguồn gốc từ Bắc Mỹ, “du nhập” vào và hiện nay được trồng khá phổ biến ở Nhật Bản. Cũng mang sắc tím như Anh Đào nhưng hoa Chi Anh phổ biến với màu tím đậm hơn.
Ngoài màu tím đậm đặc trưng, hoa Chi Anh còn có loại tím viền trắng, tím đỏ hay trắng với 5 cánh đơn. Với đặc điểm 5 cánh đơn đồng dạng, nếu Chi Anh có thêm màu vàng nữa thì trông không khác gì hoa Mai 5 cánh “truyền thống” ở Việt Nam.
Mùa nở hoa của Chi Anh thường là từ cuối tháng 4 đến giữa tháng 5, thậm chí có khi leo sang cả tháng 6, muộn hơn một chút so với hoa Anh Đào. Cũng giống như Anh Đào, hoa Chi Anh tượng trưng cho sắc đẹp, sự mong manh và trong trắng.
Đặc tính thi vị là vậy nhưng “tuổi thọ” của hoa Chi Anh cũng ngắn ngủi giống như hoa Anh Đào, những loài hoa mau nở chóng tàn, chỉ khoe sắc được vài ngày thì “hoa rụng ven sông”.
Khác với Anh Đào nở trên cành cao, hoa Chi Anh thuộc loại thảo, cây cao chừng 20 – 30 cm, trồng đại trà trên những cánh đồng, sát với nhau, nên khi đến mùa khoe sắc, chúng sẽ tạo nên những tấm thảm “tím cả chiều hoang biền biệt” hoặc màu trắng tinh khôi, phủ kín mặt đất.
Cùng thời điểm Hà Lan tổ chức Lễ hội hoa Tulip ở Keukenhof (ngoại ô Amsterdam), Nhật Bản cũng đồng thời diễn ra Lễ hội hoa Chi Anh, đây là dịp thuận lợi nhất để du khách có thể chiêm ngưỡng trọn vẹn vẻ đẹp “hút hồn” của loài hoa này.
Ngoài lễ hội theo khuynh hướng tập trung theo kiểu trình diễn, du khách cũng có thể đến các công viên nằm rải rác trên đất nước Mặt Trời Mọc để thưởng lãm loài hoa mang vẻ đẹp “thôn nữ kiêu sa” này.
Một trong những nơi lý tưởng để chiêm ngưỡng hoa Chi Anh là công viên Hitsujiyama, thuộc tỉnh Saitama (có dân số đông thứ 5 tại Nhật Bản), cách Tokyo chỉ khoảng 20 km, rất thuận tiện cho du khách đến tham quan.
“Mối tình già” với Chi Anh
Hoa Chi Anh có thể sẽ khiến bạn mơ mộng hoặc liên tưởng về những điều thi vị trong cuộc sống. Và điều đó đã không trở thành ngoại lệ đối với cặp vợ chồng nhà Kuroki. Ông bà Kuroki kết hôn vào năm 1956, sinh sống tại thị trấn Shintomi, tỉnh Miyazaki (trên đảo Kyushu), phía Nam Nhật Bản.
Hai vợ chồng luôn mong muốn rằng trong suốt cuộc đời chung sống với nhau, họ sẽ được đi du lịch khắp Nhật Bản. Thế nhưng cuộc sống của gia đình vốn khó khăn, khiến họ không thể thực hiện được chuyến viễn du “xuyên Nhật Bản” ấy vì công việc ở trang trại nuôi bò và chăm 2 đứa con khiến họ gần như không còn thời gian nghỉ ngơi.
Hành trình du lịch mơ ước bấy lâu vì thế cũng dần rơi vào quên lãng. Tan “giấc mơ du lịch”, đã vậy tai họa còn ập đến đối với bà Kuroki khi phát hiện mình mắc phải căn bệnh tiểu đường rồi bị mù lòa vào năm 1986 (sau 30 năm kết hôn). Kể từ đó, bà Kuroki vô cùng đau khổ và tự cô lập mình khỏi thế giới xung quanh.
Trước tình cảnh đau lòng ấy, ông Kuroki nghĩ mình phải “làm một cái gì đó” nhằm giúp bà vợ yêu vơi đi nỗi sầu. Thế là ông quyết định gây dựng một vườn hoa Chi Anh ở trang trại của mình.
Kuroki muốn biến trang trại – nơi có người vợ với tậm trạng sầu khổ – thành một thiên đường hoa và ông đã thành công khi tạo ra một khu vườn sắc tím mộng mơ bao quanh ngôi nhà yêu dấu. Loài hoa này không chỉ gây ấn tượng về thị giác mà còn quyến rũ khứu giác bằng hương thơm đắm duối. Tất cả “công trình” ấy là để tặng riêng cho bà Kuroki.
Mặc dù không thể nhìn thấy sắc tím lãng mạn của vườn hoa Chi Anh nhà mình, nhưng chính điều ấy đã làm thay đổi “nhân sinh quan” của người vợ và bà Kuroki cảm thấy rất hạnh phúc về “món quà đậm tình phu thê”.
Hàng năm, cứ đến mùa hoa Chi Anh nở rộ, gia đình nhà Kuroki lại tất bật
đón hàng ngàn du khách ghé thăm, cả 2 vợ chồng đều cảm thấy rất vui và hãnh diện về điều ấy…
ĐOÀN XUÂN HẢI