Vai trò của người hướng dẫn viên du lịch (tour guide) rất quan trọng, nhất là khi bạn là một người thích học hỏi, muốn tìm hiểu các thông tin của những di tích lịch sử Ai Cập cổ xưa.
Ngược dòng thời gian tìm hiểu về lịch sử Ai Cập cổ xưa
Tour guide của đoàn du lịch của tôi tên là Saleeb. Anh này là một Egyptologist (chuyên gia Ai Cập học) và cũng là một nhà khảo cổ (archeologist) đã từng du học ở Mỹ và Đức. Saleeb nói tiếng Anh hết sức lưu loát, không có accent Ả Rập nặng nên rất dễ nghe, và đặc biệt là anh ấy có lối giải thích những di tích lịch sử Ai Cậphết sức hấp dẫn và lôi cuốn, nghe hoài không chán.
Saleeb, hướng dẫn viên du lịch, đang giải thích về di tích lịch sử tại một ngôi đền
Ngoại kim tự tháp tôi còn được tham quan 4 địa điểm chính khác, đây là 4 đặc trưng nổi bật được lưu giữ để minh chứng cho lịch sử Ai Cập cho đến tận bây giờ:
– Bảo tàng viện thành phố Cairo: nơi cất giữ vô số cổ vật của lịch sử Ai Cập và mấy ngàn xác ướp.
– Valley of the kings (thung lũng của các vua): nơi đây là chỗ lăng mộ của vô số vua, hoàng hậu và hoàng thân (như các vua Ramses, Thutmes và Tutankhamun (vào thời những triều đại này người Ai Cập không xây kim tự tháp nữa nhưng họ đào những lăng mộ hiểm hốc sau dưới lòng đất, cũng nhiều công phu không kém)
– Tượng Colossi of Memnon
– Các đền thờ nổi tiếng như:
- Đền thờ của nữ hoàng Hatshepsut, Karnak Temple và Luxor Temple tại Luxor
- Edfu Temple, Kom Ombo Temple tại Edfu
- Philae Temple tại Aswan
- Abu Simbel Temple cách Aswan 290km về phía tây nam
– Đập nước High Dam tại Aswan
– The Hanging Church, St George Church và đền Salah Al Din tại Cairo (những kiến trúc này thì “mới” hơn chỉ vài trăm năm thôi).
Có những nơi người ta không cho chụp hình chẳng hạn như trong bảo tàng viện hay tại Valley of the kings. Có thể là vì lý do an ninh, cũng có thể là vì người ta muốn giữ độc quyền phổ biến các hình ảnh những nơi này.
Tại những ngôi đền, du khách sẽ thấy vô số hình ảnh và ghi chú bằng hierogliph (chữ cổ Ai Cập) trên khắp các bức tường. Saleeb, anh chàng tour guide, giải thích rằng không phải tất cả các vua của Ai Cập cổ đại đều là pharaoh. Chỉ có một số vua là được phong pharaoh thôi, có nghĩa là ông ấy vừa là vua vừa được xem như là thần (god).
Muốn biết vua Ai Cập nào được phong pharaoh thì căn cứ vào hình vẽ trên các vách đá hay tượng: có râu, áo có cái đuôi, đội mão, và đặc biệt là đi chân không và trong tư thế đứng thì luôn luôn chân trái bước tới trước. Những vua không phải là pharaoh thì hình vẽ có mang dép (sandals) và hai chân đứng ngang nhau. Interesting?
Hình vẽ tiêu biểu của một pharaoh và tượng của pharaoh Ramses II tại Abu Simbel (đi chân không và chân trái bước về phía trước)
Vị vua Ai Cập mà nhiều người biết đến nhất có lẽ là Tutankhamun. Không phải vì nhà vua này có nhiều công trạng với Ai Cập (vua này lên ngôi lúc 9 tuổi và chết lúc 19 tuổi) mà là vì lăng mộ của ông còn nguyên vẹn, không bị cướp bóc hay phá hoại, khi các nhà khảo cổ phát hiện ra vào năm 1922 tại Valley of the kings.
Cổng vào Valley of the kings – qua khỏi đây du khách không đuợc chụp hình
Mặt nạ vàng khảm ngọc của Tutankhamun (cũng như rất nhiều báu vật khác của vua này), hiện được trưng bày tại viện bảo tàng Cairo, đã trở thành biểu tượng của lịch sử Ai Cập cổ xưa giống như hình ảnh của kim tự tháp vậy.
Hình internet vì trong bảo tàng viện không cho chụp hình.
Ở ngoài mặt nạ (death mask) của vua Tutankhamun cũng đẹp như trong hình
Xác ướp của vua Tutankhamun vẫn còn để trong hầm mộ của ông tại Valley of the kings, cho mọi người xem.
Những tài liệu về Cleopatra VII được ghi khắc trong đền Kom Ombo. Tại đền này người ta cũng tìm thấy những tài liệu nói về những dụng cụ y khoa dùng vào thời đó.
Cleopatra được người Ai Cập phong pharaoh, việc này được biểu tượng qua hình bà không có mang dép và chân trái bước về phía trước.
Những ghi chú về dụng cụ y khoa dùng vào thời cổ được ghi khắc trên tường. Thời đó đàn bà sanh con thì ngồi trên một loại ghế thấp.
Xem thêm: Tour du lịch Châu Âu
Philae Temple và Abu Simbel TemplesTìm hiểu về lịch sử đền
Philae Temple và Abu Simbel Temples mà du khách đến xem hiện nay xưa kia vốn không phải ở vị trí này. Sau khi chính phủ Ai Cập cho xây đập nước High Dam tại Aswan vào năm 1960, thì nguy cơ nước ở lake Nasser sẽ dâng lên và làm ngập nhiều ngôi đền cổ. Chính phủ Ai Cập lúc bấy giờ rất nghèo (hậu quả của việc theo khuynh hướng xã hội chủ nghĩa của tổng thống Nasser sau khi Ai Cập được độc lập), cho nên Unesco đã bỏ tiền ra để dời 8 ngôi đền lên chỗ cao hơn.
Trong số 8 ngôi đền được “cứu” thì Philae Temple và Abu Simbel Temples là nổi tiếng nhất. Công trình dời Philae Temple kéo dài 10 năm.
Philae Temple được dựng lại trên một hòn đảo ở Aswan
Đền Abu Simbel Temples
Abu Simbel Temples là những ngôi đền được khoét và khắc trong núi. Cho nên muốn dời 2 ngôi đền này, người ta đã phải cắt cả một khoảnh núi chưá những ngôi đền đó thành từng tảng. Mỗi tảng trung bình nặng 20 tấn và dời đến một vị trí mới cao hơn 65m và cách sông Nile 200m và ráp lại đúng theo phương vị nguyên thuỷ. Công trình này kéo dài từ 1964 đến 1968 mới hoàn tất. Thật đúng là dời non lấp biển!
Abu Simbel Temples: bên trái là đền của pharaoh Ramses II và bên phải là đền thờ của vợ ông, hoàng hậu Nefertari.
Đền thờ Ramses II
Đền thờ Ramses II được thiết kế đặc biệt, mỗi năm vào ngày 22 tháng Hai và ngày 22 tháng Mười, ánh sáng ban mai của mắt trời sẽ rọi xuyên suốt ngôi đền và chiếu sáng 4 bức tượng của ông, đặt trong miếu thờ tận trong cùng của đền.
Dưới chân pharaoh Ramses II
Có đến tận nơi, nhìn tận mắt bạn mới cảm nhận được sự hùng vĩ của những di tích lịch sử nói trên. Bỗng nhiên tôi cảm thấy bùi ngùi và nhớ đến những câu hát trong bài Hận Đồ Bàn của nhạc sĩ Xuân Tiên (xin đổi 3 chữ cho thích hợp với Ai Cập) :
“Người xưa đâu, mà tháp thiêng cao đứng như buồn rầu,
Lầu các đâu, nay thấy chăng ‘đồi hoang kia’ một màu…”