Ngày bé, cứ vào tối hôm rằm, trẻ con trong xóm lại rủ nhau ra sân nhà văn hóa chơi trò đập bưởi. Nhà nào cũng có cây bưởi nhưng vẫn thích đi đập bưởi vì ham vui và thích trổ tài. Ai đập được trái nào sẽ được thưởng luôn trái đó và đem bổ ngay tại sân để chia cho mọi người cùng ăn.
Tôi còn vẫn nhớ những gì mà bà ngoại thường nói về công dụng của quả bưởi. Bưởi chứa rất nhiều vitamin, ngọt mát và rất dễ ăn. Ăn bưởi giúp chữa một số bệnh như cao huyết áp, tiểu đường, đau dạ dày, viêm khớp…
Vì thế mỗi khi vườn có trái bưởi nào chín bà lại chế biến những món ăn ngon cho cả nhà như chè bưởi, mứt bưởi, hay đơn giản chỉ là ăn những múi bưởi tươi mọng. Trong đó món mà tôi ấn tượng nhất là gỏi bưởi. Bởi đây là món thân thuộc với người miền Nam nhưng lại lạ lẫm với người miền Bắc. Với nhiều nguyên liệu khác nhau, thơm ngon, bổ dưỡng, gỏi bưởi thực sự là món ăn lạ miệng, hấp dẫn trong những ngày thu về.
Làm gỏi bưởi cần có những nguyên liệu như: tép bưởi, nước sốt bưởi hoặc cà chua, thịt gà, tôm luộc, dừa nạo, lạc rang, tương ớt, chanh, muối, đường. Trước hết là công đoạn trộn gỏi: Bưởi chọn những quả có múi to, bóc vỏ giữ cho tép bưởi còn nguyên, không bị vỡ, để tép bưởi dính với nhau thành từng cụm nhỏ mà không nên tách riêng từng tép ra. Thịt gà nạc đã luộc đem xé nhỏ trộn lẫn với tôm luộc, tép bưởi và nêm gia vị. Tiếp theo là công đoạn chế biến nước sốt. Lấy nước dừa còn lại đun sôi, sau đó vắt chanh, cho đường, muối và ớt vào cho hợp khẩu vị. Tùy theo sở thích có thể cho thêm thịt tôm băm nhuyễn vào nước sốt cho đậm đặc.
Sau khi đã làm xong nước sốt thì cho tất cả hỗn hợp này trộn với tép bưởi và thịt gà vào tô. Múc gỏi ra đĩa, rắc lạc rang, rau thơm, dừa nạo và ớt lên bề mặt để trang trí cho hấp dẫn. Gỏi bưởi có thể dùng chung với dưa leo, rau thơm các loại. Gỏi bưởi ăn tê tê, chua ngọt, bùi bùi mà thơm ngon thật thú vị!
Theo MonngonSaigon.com – Ngày 01/09/2011