ngo van taoMột bộ sưu tập về biếm họa và ký họa của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vừa được tìm thấy nằm lẫn trong một thi phẩm tiếng Pháp Nuages – Poems multilingual do Montréal xuất bản của một tên lạ hoắc: Ngô Văn Tao.

Làm văn nghệ ai cũng cốt để lại cái tên. Nhưng nghệ danh “Ngô Văn” lót “Tao” đọc lên nghe cứ thấy giật mình thon thót vì kinh động. Từ xưa đến giờ không ai đặt tên hàm hỗn, dữ dằn như thế! Cứ như phen này quyết sống mái một trận kinh hoàng với chữ nghĩa…

Từ tên “tớ” do Bùi Giáng đặt…

Quả đúng vậy! Cha mẹ ông đặt tên thật là Quế, chứ không phải Tao. Ông Quế vốn là một giáo sư thỉnh giảng tại các trường đại học ở Pháp. Ông yêu thơ và có làm thơ. Những bài thơ chủ yếu viết bằng tiếng Pháp và chỉ giữ cho mình, ít công bố. Cuộc đời ông cứ ngỡ êm đềm trong môi trường khoa học và trí thức như thế cho đến khi ông về VN cuối năm 1985. Được chơi với các “quái nhân” văn nghệ Hà Nội – Sài Gòn như nhạc sĩ Văn Cao, Trịnh Công Sơn, nhà thơ Bùi Giáng, họa sĩ Bùi Xuân Phái… ông Quế mới nhận thấy té ra từ lâu nay đời mình đã… đi lạc. “Tôi phải làm văn nghệ mới đúng!”. Được sự kích hoạt của bạn bè, ông quyết định “dấn thân” hẳn vào con đường thi ca, bước chân vào làng nghệ thuật.

Một lần, ông Quế mời tôi đến nhà ông ở trên đường Huỳnh Khương Ninh, Sài Gòn, đối ẩm bánh mì và rượu Tây, xem tranh, ông hào hứng kể chuyện: “Tôi đã đọc nhiều thơ của tôi cho Bùi Giáng và Trịnh Công Sơn nghe. Bùi tiên sinh rất thích thơ của tôi. Đặc biệt là những bài viết bằng tiếng Pháp mà Bùi rất giỏi”.

Những tác phẩm Hoàng tử bé của Antoine de Saint-Exupéry, Mùi hương xuân sắc của Gérard de Nerval, Trường học đàn bà của André Gide… đều do ông chuyển ngữ trực tiếp từ tiếng Pháp… Rồi một lần cao hứng, nhân được “hâm nóng” từ rượu Tây và được cổ vũ của bạn bè, ông Quế muốn được Bùi tiên sinh “khai tâm” một bút hiệu để làm thơ.

Bùi tiên sinh nói: “Đã là thi sĩ thì ngoài thơ ra không còn bận tâm thứ gì khác trên đời. Và với bất cứ kẻ làm thơ nào thì thơ của mình mới là hay nhất, độc đáo nhất. Như Xuân Diệu đã từng viết “Ta là Một là Riêng là Thứ nhất/Không có chi bè bạn nổi cùng ta”. Theo tôi, ông cứ đặt tên là Tao, Ngô Văn Tao”.

Như vậy có thể thấy “tao” ở đây hoàn toàn không phải “tao nhân mặc khách” mà chính là cái “tao” bản thể, cái “tao” khẳng định cái tôi, cái riêng của người nghệ sĩ.

Ông Quế có biệt danh Ngô Văn Tao từ đấy. Và ông cũng đã xuất bản nhiều tác phẩm chung cùng Bùi Giáng và Trịnh Công Sơn như La commune poétique Aventure – Vào chung cuộc thơ, Hán tự Hài cú… Tuy đổi tên là Tao, theo tinh thần Bùi Giáng đối với ông, thi sĩ họ Bùi vẫn là “kỳ nhân số 1”. Trong cõi thơ Việt, dù đã xuất hiện nhiều “tao cổ” hay “tao kim”, Bùi Giáng vẫn riêng biệt sừng sững một cõi. Ông Ngô Văn Tao nhận định như vậy.

… qua “tao” sưu tập biếm họa Trịnh Công Sơn

Vẫn phải công bằng mà nói, từ cái tên Ngô Văn Tao khá ấn tượng mà như chính ông kể là do Bùi Giáng đặt đến tác phẩm thơ của ông còn một khoảng cách đáng kể. Trên văn đàn nhắc tên ông ít người biết. Nhưng ông nổi như cồn do những câu chuyện bên lề văn nghệ sĩ. Như bộ sưu tập biếm họa và ký họa của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vẽ riêng tặng ông. Khi biết tôi muốn tìm hiểu sự thật về bộ tranh này, ông Tao kể: “Những ký họa và biếm họa công bố trong tập Nuages – Poems multilingual của tôi xuất bản ở Montréal đều do chính tay Trịnh Công Sơn vẽ”.

Ông Tao khẳng định: “Trịnh là một nghệ sĩ tài hoa. Ký họa của ông vừa có thần vừa có sắc. Nói cách khác nhìn văn đọc ra người…”. Trịnh Công Sơn có rất nhiều bạn bè. Với bản tính quảng đại và rộng mở, ông giữ gìn tình bạn, kết giao gần hết những tâm tình của người yêu nhạc tìm đến với ông. Vì thế khi thích là ông vẽ.

ngo van tao 1
Ông Tao và gia đình
ngo van tao 2

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (thứ hai từ phải sang) và bạn hữu, năm 1985

Có thể đó là một người bình thường, bán vé số, hàng rong, một anh xích lô nhưng cũng có khi là những người bạn nổi tiếng. Xem các bức như nhà văn Nguyễn Tuân nhức xương ở Bến Nghé, hí họa Bùi Giáng, “ông phễnh” nhà thơ Phạm Thiên Thư, người trầm tư nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường… người thưởng ngoạn như thấy được nét duyên ngầm, gai góc hoặc cá tính mỗi số phận. “Có nhiều bức khi Trịnh vẽ xong, vì một lý do nào đó ông muốn xé hoặc bỏ đi, tôi phải nhanh tay giữ lấy hoặc xin anh mới có để giữ lại đến hôm nay…”.

Ông Tao cho biết cũng có nhiều người sưu tập biết ông có được bộ “biếm Trịnh” lạ đời này nên đã ngỏ ý muốn mua hoặc gạ đổi tranh để nhượng lại nhưng ông không muốn. “Tôi không có ý làm một nhà sưu tập mà là những gì tôi có đều là của bạn bè, như Trịnh Công Sơn, Bùi Giáng, Văn Cao…những người tri kỷ, tri âm của đời tôi. Họ đã mất nhưng những gì may mắn tình cờ giữ lại được quý hơn vàng ngọc…”.

Ông Ngô Văn Tao đã cho tôi xem nhiều bức tranh “độc bản và độc đáo” của Trịnh Công Sơn. Không chỉ ký họa, biếm họa mà còn sơn dầu, thuốc nước nhạc sĩ vẽ trên toan, trên bố. Ông Tao cho biết ông sẽ lần lượt công bố khi có những điều kiện thích hợp trong thời gian tới cho người yêu Trịnh thưởng lãm…

Nguyễn Hữu Hồng Minh