Với hệ thống xe cáp treo của Titlis Rotair, du khách có thể chinh phục đỉnh cao Titlis ở núi Thiên Thấn -Engelberg (Thụy Sĩ), Chỉ cần mặc đủ áo ấm và nhớ mang giày bốt bằng da để có thể thoải mái vui chơi trên tuyết hay chui vào hang động băng đá.
Sau khi trang bị đầy đủ nón len, khăn quàng, áo bành tô hoặc khoác ngoài áo blouson da hoặc áo len, 14 thành viên của đoàn du khách Việt Nam háo hức chinh phục đỉnh Titlis ở độ cao 3.020m trên mặt biển.
Để đến được Titlis, xuất phát từ TP.HCM bằng máy bay Airbus A300-600 của Hãng hàng không Thái Lan, đoàn đến Bangkok, sau đó bay nối chuyến đến Zurich bằng máy bay Airbus A340 của Hãng hàng không Thụy Sĩ (Swiss International Air Lines). Từ sân bay quốc tế Zurich, đoàn di chuyển tốc hành đến nhà ga đường sắt để rồi được ưu tiên ngồi riêng một toa của đoàn tàu điện thuộc hệ thống đường sắt liên bang SBB di chuyển đến thành phố Lucern. Tại đây, chúng tôi lại chuyển sang đoàn tàu địa phương Die Zentralbahn Furenalp để đến Engelberg, tức núi Thiên Thần, một thị trấn du lịch nghĩ dưỡng trên núi tuyết đã hình thành và phát triển từ năm 1800.
Xem thêm: Tour du lịch Châu Âu
Hành trình trên đều diễn ra thật nhẹ nhàng, xuyên suốt với duy nhất một tấm vé Swiss Pass đã bao gồm cả vé vào tham quan hơn 400 bảo tàng trên khắp đất nước Thụy Sĩ, trong đó có cả những tòa lâu đài cổ kính xây dựng từ thời Trung cổ. Nó cũng là vé sử dụng cho mọi công cụ vận chuyển công cộng ở các thành phố, từ xe buýt, xe điện đến phà qua sông, qua hồ.
Cảnh quan Engellberg khiến mọi người nhớ đến Đà Lạt. Engellberg không rộng bằng Đà Lạt, nhưng lạnh hơn vì cao hơn (1.800m), có nhiều rừng thông xanh rì và những biệt thự bằng gỗ được điểm tô bởi những bồn hoa tươi bắt mắt. Từ hoàng hôn hôm trước đến bình minh hôm sau, du khách đến Engellberg sẽ rất thích thú khi được dịp “kết bạn” với sương mù, rảo bộ trên những con đường không khói bụi (vì rất ít xe hơi), làm người mẫu tạo dáng chụp ảnh trên những con phố vòng vèo theo các sườn đồi. Trong khung ảnh êm đềm ấy, thỉnh thoảng xuất hiện những cỗ xe ngựa chở du khách vừa ngắm cảnh vừa thưởng thức champagne và pho mát, với những tiếng lọc cọc, leng keng thật vui tai.
Cư dân thưa thớt, Engellberg tồn tại và phát triển chủ yếu dựa vào nông nghiệp (chăn nuôi bò sữa, sản xuất pho mát) và du lịch. Du khách của Engellberg phần lớn đến từ các nước châu Âu, Mỹ, Nhật, gần đây có nhiều đoàn đến từ Ấn Độ và Trung Quốc – ông André Kuttel, Giám đốc tiếp thị của Công ty kinh doanh du lịch, khách sạn, nhà hàng Titlis-Rotair cho biết.
Khách du lịch tìm đến Engellberg đều vì muốn chinh phục đỉnh cao Titlis. Hệ thống xe cáp treo Titlis Rotair ngày nay vận hành phục vụ hàng ngàn khách. Từ Engellberg ở độ cao 1.000m, du khách đi đến trạm Trubsee ở độ cao 1.800m bằng “gondola” dành cho sáu người ngồi. Kế đến, từ Trubsee đến tạm Stand bằng “gondel” có chỗ cho 80 người. Và cuối cùng, du khách mới dùng cabin Rotair đủ chỗ cho 80 người để lên Titlis. Rotair chính là xe cáp treo xoay vần đầu tiên và lớn nhất thế giới. Sau ba lần di chuyển bằng cáp treo thật an toàn, nhẹ nhàng trong khoảng 40-45 phút, cả đến những thành viên sợ độ cao nhất cũng có quyền được tự hào mình đã chinh phục đỉnh cao, chiến thắng nỗi sợ.
Trời, mây, sương mù, núi và tuyết lạnh đây rồi. Sau khi đã ghi lại hình ảnh của mình trên đỉnh cao hơn 3.000m so với mặt nước biển, du khách tiếp tục khám phá sông băng, từ bên trong (rảo bộ 150m trong lòng sông băng quanh năm dưới 0 độ Celsius) ra đến bên ngoài (lướt phía trên cao sông Titlis dài ngoằng với ghế cáp treo Ice Flyer). Vài thành viên trẻ, khỏe trong đoàn còn nai nịt chắc chắc để được thục sâu vào lòng sông băng. Không thể thiếu mục mua sắm hàng lưu niệm, từ chocolat, pho mát, đến dao, đồng hồ Thụy Sĩ và bữa trưa. cơm Tàu. Đừng tưởng nhà hàng Panorama trên núi cao lạnh giá vắng khách, nếu không đặt trước, bạn có thể sẽ phải chịu đói vài tiếng mới có bàn để ngồi và gọi món ăn.
Chiều đến, chúng tôi chọn xuống núi bằng một phương tiện trông rất bình thường nhưng thực ra rất khác thường. Đó là chiếc xe đạp không yên và không có bàn đạp, cứ đứng thẳng trên một bục nhỏ nối kết hai bánh xe, hai tay nắm chắc tay lái và cứ thế vừa thả dốc vừa ngắm cảnh núi đồi, thung lũng, hồ nước, vườn cỏ xanh nơi những con bò đang tự vỗ béo để cung cấp sữa cho người dân địa phương sản xuất pho mát đi khắp thế giới. Lủng lẳng nơi cổ mồi con bò là chiếc chuông gỗ hoặc đồng. Tiếng leng keng lan tỏa tạo nên âm thanh đặc thù của Núi Thiên Thần – Titlis, một điểm du lịch nghỉ dưỡng đặc biệt.