Có lẽ nhiều độc giả trong nước thắc mắc, liệu ở hải ngoại, người Việt mình có làm thơ, viết văn, hay nghe nhạc Việt không? Xin được kể vài chuyện về sách, truyện, CD, DVD của người Việt ở hải ngoại, đặc biệt là ở Hoa Kỳ.

 

 

Sách thơ để… tặng

 
du lịch hoa kỳ, du lich hoa ky, du lich my, du lịch mỹ, du lịch hoàn mỹ, du lich hoan my
Bên ngoài Làng Văn, thuộc Trung tâm thương mại Eden, bang Virginia
 

Trước hết, xin được đề cập đến mảng thi ca, tức là thơ. Ngoài mấy thi sĩ nổi tiếng, ở hải ngoại còn có rất nhiều nhà thơ tài tử, đếm ra cũng phải vài ngàn vị. Đa số họ đã lớn tuổi, bởi người trẻ lớn lên ở nước ngoài nói tiếng Việt còn không rành, viết lại càng không biết, thì sao mà làm thơ được, có chăng thì thơ bằng… tiếng Anh, Pháp, Đức!

 

Những nhà thơ tài tử thường thích gửi thơ đăng báo. Sau một thời gian dài, ai gom được cỡ trăm bài thì đưa đi nhà in, ra một tập thơ. Một tập thơ vài trăm trang, in một ngàn cuốn, tốn khoảng vài ngàn đô, nếu muốn màu mè, hoa lá (thêm phụ bản màu) thì phải bỏ thêm tiền. Nếu như biết sức tiêu thụ kém, nên tiết kiệm chỉ in năm trăm cuốn, thì không rẻ được hơn bao nhiêu. Nhưng vấn đề là đem cả ngàn tập thơ ấy về nhà thì lấy đâu chỗ để?

 

Có người sáng trí hơn, đem thơ về Việt Nam in cho đỡ tốn. Lại có ông còn nhờ nhạc sĩ phổ nhạc cho thơ mình, thuê ca sĩ hát và in hẳn đĩa CD. Tiền công hát mỗi ca khúc ở nước ngoài, nếu mời ca sĩ nổi tiếng thì phải trả hơn ngàn đô! Ở Việt Nam nghe nói rẻ hơn nên cũng có người về nước thuê hát luôn.

 

Nói chung chẳng mấy ai chịu mua thơ của các nhà thơ tài tử, nên phần đông các ông bà in thơ là để tặng bạn bè, coi như kỷ niệm cho vui, chứ chưa chắc bạn mình đã đọc hết cả tập. Họ thường để tập thơ ở đầu giường, tối đem ra đọc là… chìm vào giấc ngủ ngay!

 

Ở hải ngoại, nhiều nhà thơ cùng nhau lập ra hội thơ tài tử, nghe nói có cả ngàn hội viên ở khắp năm châu bốn biển. Mỗi năm, hội ra một tập thơ khoảng năm, bảy trăm trang và tổ chức họp mặt một lần ở một thành phố nào đó, khi thì ở Mỹ, khi ở Pháp, Đức, Anh… Đó là dịp các nhà thơ tài tử gặp gỡ chuyện trò, ngâm thơ mình cho bạn nghe và rủ nhau đi xem danh lam thắng cảnh địa phương. Hẳn đó cũng là cái sướng của người yêu thơ.

 

Sách truyện thì nghèo

 

Chuyển sang sách hải ngoại. Trên thị trường có ba loại sách: sách do người viết tại hải ngoại, sách từ trong nước chuyển ra và sách dịch. Người Việt hải ngoại chẳng viết được nhiều, vì đã đến xứ người là phải nai lưng ra mà kiếm sống. Tiền nhà, tiền điện nước, bảo hiểm xe cộ, bảo hiểm sức khỏe… và tiền nuôi bầy con đang tuổi ăn học thúc hằng ngày.

 

Khi con cái tốt nghiệp đại học, có công ăn việc làm thì cha mẹ đã lớn tuổi, sức khỏe, tâm hồn và cảm hứng đều đã cạn, muốn viết thì được viết, nhưng càng viết càng… lẩm cẩm! Một số người viết hồi ký. Ai gửi đăng báo thì không bao giờ hy vọng nhuận bút, vì đa số các báo không đủ chi phí, chỉ trả được cho mấy cây viết thành danh với mức tượng trưng (50 đô) để biểu thị sự kính trọng, chỉ đủ một bữa điểm tâm.

 

Đếm ra thì có khoảng ba trăm người viết hải ngoại, kể cả những cây bút mới xuất hiện sau này. Họ là khách hàng mua báo hằng năm (vì có bài viết của họ), cơ bản để làm kỷ niệm. Người đọc cứ giảm dần vì tuổi già bệnh hoạn, mắt kém. Lớp trẻ lớn lên, nói tiếng Việt không rành nên làm sao đọc sách, báo Việt ngữ? Hơn nữa đã có báo điện tử thay thế báo giấy. Sách truyện cũng đầy rẫy trên Internet. Chỉ hai bang có nhiều người Việt là Texas và California mới có nhà sách, nhưng phải kinh doanh CD, DVD mới tồn tại được.

 

Miền Đông Bắc Mỹ, nơi tôi ở, hồi thập niên 1990 có ba nhà sách, nay chẳng còn nhà nào. Một số sách miền Nam phát hành trước 1975 cũng được in lại. Bán chạy nhất là sách kiếm hiệp của Kim Dung. Việc in lại cũng khá đơn giản: chỉ cần gỡ ra từng trang, sao chụp lại rồi đem in. Cách đây mươi năm, in truyện kiếm hiệp đem bán có thu nhập rất khá, nhưng nay thì sách cũ còn đó, sách mới bán ai mua?

 

Loại sách từ trong nước bày bán ở hải ngoại đa số là những tác phẩm nghiên cứu hoặc của những cây viết trong nước được hâm mộ như Nguyễn Ngọc Tư, Dương Tường… Ký sự, hồi ký của Tô Hoài cũng được nhiều người đọc vì văn phong trong sáng, hấp dẫn.

 

Sách dịch từ trong nước đem ra nước ngoài cũng nhiều, nhưng loại sách dịch từ tiếng Hoa quá tệ, lủng củng, tùy tiện, sai văn phạm, mà nội dung cũng nghèo nàn. Mua về đọc có cảm giác như bị đánh lừa bởi cái bìa và cái tựa quá hấp dẫn. Chỉ những sách dịch từ tiếng Nga, nhất là do Nhà xuất bản Cầu Vồng (của Nga) phát hành thì tuyệt vời, điển hình là Đất vỡ hoang, Sông Đông êm đềm, Con đường đau khổ. Tập truyện ngắn của Maxim Gorky càng đọc càng thấy hay. Văn học Nga quá vĩ đại và người dịch cũng giỏi quá!

 

Đĩa có đất sống hơn cả

 
du lịch hoa kỳ, du lich hoa ky, du lich my, du lịch mỹ, du lịch hoàn mỹ, du lich hoan my
Tiệm bán băng nhạc, sách báo Washington Music cũng trong Trung tâm thương mại Eden
 

Ở hải ngoại có mấy trung tâm ca nhạc, phát hành băng nhạc cũng được nhiều người ưa chuộng, nhưng giá bán khá cao (thông thường 25 đô một bộ), trong khi CD, DVD từ trong nước đem qua, sang lại thì giá tối đa chừng năm, bảy đô. Có tiệm bán với giá chỉ ba đô (mua bốn tập chỉ mười đô).

 

Băng nhạc hải ngoại đắt vì phí tổn khá cao, phải mấy trăm ngàn đô để hoàn thành một bộ DVD ca nhạc. Sân khấu, ánh sáng, âm thanh, nhảy múa, đạo diễn hầu như phải nhờ đến các chuyên viên thượng thặng ở Hollywood thực hiện. Vậy mà một băng ca nhạc vừa được phát hành là lập tức băng lậu tràn lan, bán chỉ mươi đô.

 

Muốn bắt thủ phạm để truy tố thì phải nhờ chuyên viên điều tra theo dõi, tốn hàng mấy chục ngàn đô đưa ra tòa để đòi bồi thường thiệt hại nhưng thủ phạm thường là thất nghiệp, vô gia cư, đôi khi nghiện xì ke ma túy thì sao mà được bồi thường? Vậy nên trong các băng ca nhạc, ban giám đốc cũng như ca sĩ ra sức năn nỉ đừng ai sang và bán băng lậu “để giúp chúng tôi còn có tiền mà thực hiện cuốn băng kế tiếp phục vụ cho quý vị”.

 

Trong các tiệm sách báo, CD, DVD thực hiện từ trong nước (loại sao lại) chiếm 80% diện tích trưng bày. Bọn trẻ Việt hải ngoại thích xem DVD ca nhạc trong nước, những người già lại không xem vì thấy “chúng la hét như người điên, chẳng hiểu gì cả!”. Người già chỉ thích xem phim du lịch.

 

Riêng tôi có hàng trăm DVD du lịch Việt Nam, thế nên danh lam thắng cảnh, chợ búa, ẩm thực nước mình, tôi biết hết dù chưa hề đến tận nơi. Bộ Mê Kông ký sự tôi xem hoài không chán. Âm thanh, ánh sáng và thuyết minh rất tuyệt, hơn hẳn bộ Uống chung một dòng nước cũng thực hiện về sông Mê Kông do Trung Quốc thực hiện, cho dù họ có đầy đủ phương tiện và “quyền uy”…

 

Mấy ông bà lớn tuổi được các con bảo lãnh sang nước ngoài sống suốt ngày luẩn quẩn trong nhà, buồn chán, nên được con cháu thuê phim bộ về xem. Đóng 50 đô có thể xem hàng trăm tập, đa số là phim Tàu, Hàn Quốc, Hong Kong, Đài Loan và lúc nào cũng có phim mới. Mua một bộ DVD mới về, chủ tiệm sang ra hàng chục bộ, ai thuê cũng có, thuê bao lâu cũng được. Xem riết, đâm mụ cả người. Thế nên họ thường đòi về Việt Nam thăm bà con, hàng xóm láng giềng, nhất là những dịp tết Âm lịch.

 
Theo PHẠM THÀNH CHÂU
Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần