![]() |
Tuy mù nhưng anh Khổng xem bò thuộc loại thượng thừa |
Những lái bò có thâm niên khi mua bán bò vẫn mua nhầm bò dở, bò thịt bị vỗ béo là chuyện thường. Còn ông bị mù hai mắt, đi bước thấp bước cao, dò dẫm tìm đường nhưng xem bò thuộc loại thượng thừa.
Tuổi thơ bất hạnh
Người mù lái bò độc đáo có một không hai ấy là Trần Văn Khổng, 52 tuổi, ngụ xã biên giới Xuân Tô, Tịnh Biên, An Giang. Hồi nhỏ Khổng hiếu động lắm, chân sáo chạy nhảy khắp cánh đồng câu cá, kéo lưới, mót lúa giúp gia đình. Năm 11 tuổi, đang đào đất bắt trùn bỗng nghe ầm một tiếng nhức óc, Khổng ngã xuống chết lịm. Khi giật mình tỉnh dậy, Khổng cố mở mắt và hét lên đau buốt bởi cặp mi mắt dính chặt nhau. Khổng chưa thấu hiểu bất hạnh đang ập xuống đầu, cậu đã bị mù bởi trúng đầu đạn M79.
Người ta bảo Khổng lớn mạng nên đạn nổ mà không chết. Nhưng với cậu bé non nớt việc đột ngột mất đi đôi mắt sáng buồn đau đâu kém gì đã chết. Khổng như người cõi khác, lúc ngớ ngẩn, lúc cau có như con ngựa hoang. Người bạn thân nhất của Khổng là giấc ngủ, trong cơn mơ lại thấy mình sáng mắt, chạy nhảy với bạn bè… Khi tỉnh dậy đêm vẫn chưa tàn, Khổng quệt giọt nước mắt đang lăn nóng hổi. Nhưng ngồi cú rũ mãi trong xó buồng, làm bạn với gối mền, cái giường tre kẽo kẹt hoài Khổng chán. Sau lần hụt chết, tâm trí Khổng đã lớn. Cậu biết không còn can đảm hủy cuộc đời mình dù lòng tràn đầy bi thương. Khổng nằm mơ thấy cảnh bị mìn nổ tan xác, thức dậy cậu toát mồ hôi nhưng mừng thấy mình còn sống. Lúc đó Khổng chợt nhận ra rằng, còn sống là còn hạnh phúc.
Những tháng ngày náu mình cô đơn trong bóng tối phần nào giúp Khổng tính nhẫn nại. Anh tập tành làm quen lại với cuộc sống như lúc chập chững tập đi. Khổng cầm dao chầm chậm tập chẻ củi, chầm chậm lặt từng mớ rau, nhè nhẹ gánh từng thùng nước… Khi đôi tay đã thuần thục, đôi chân đã quen với lối mòn thấp cao, Khổng theo người thân đi cắt lúa mướn nhổ cỏ thuê.
Cuộc sống vất vả nhưng người thân rất vui bởi thấy con em tìm lại được nụ cười đã tắt. Năm 1978, vùng biên giới xảy ra chiến tranh, Khổng theo gia đình xuống huyện Phú Tân, An Giang. Khổng tiếp tục làm thuê mướn nuôi thân. Khổng không ngờ sự cần cù chịu khó hiếu đễ của anh đã lọt vào mắt xanh cô gái giỏi giang Nguyễn Thị Lê. Khi cô bắt chuyện làm quen, Khổng ngạc nhiên đến khó ngủ vì đây là lần đầu tiên kể từ ngày mù mắt có người con gái trìu mến quan tâm. Rồi khi cô Lê gần xa hỏi chuyện khi nào lập gia đình, Khổng sững người nghĩ đến chuyện thương hại của người đời. Tự ái đàn ông khiến anh khó chịu. Cô Lê là người chí tình, thấy anh đột nhiên cáu tính đã đoán ra nên thẳng thắn nói chuyện lứa đôi. Khổng ngỡ ngàng biết cô không giả ý…
Cao thủ xem bò
Khổng đưa vợ trẻ trở lại nơi chôn rau cắt rốn. Hai vợ chồng siêng năng chịu khó, ai kêu gì cũng làm nên dần dà dư dả chút đỉnh. Có tiền anh bàn với vợ mua con bò đi cày mướn, còn chị đi hái rau, bắt cá đồng ra chợ xa bán. Nhưng đi cày mướn được vài ngày Khổng ức lòng khi biết con bò mình mua là bò dỏm, cày một chút đã mệt nhoài. Khổng kêu bán bò, lại gặp tay mua bò láu cá thấy chủ bò mù nên bắt chẹt giá.
Khổng tìm mua bò mới, đã một lần bị hao tiền nên rút kinh nghiệm hỏi tướng bò từng chút. Gặp một số lái bò có lòng, thấy anh mù thật thà, gia cảnh lại khó nên chỉ không công vài mánh chọn bò kéo, bò thịt. Khổng ghi nhớ hết và nhẫn nại lặn lội tới các nơi mua bò. Mấy chủ bò nghe kháo nhau có ông mù hơi quái quái đi mua bò bằng cách lấy tay chân rờ từng chút trên thân bò nhưng chê ỏng chê eo bèn nghĩ ông mù đi phá người nên quyết lòng làm khó. Thật ra trong tình cảnh thấy một người lấy tay rờ rẫm xem tướng bò bỗng dưng người ta lại nhớ đến chuyện tiếu lâm thầy mù xem voi cũng không là lạ. Mãi, Khổng cũng mua được con bò kéo tốt. Bò tốt, kéo khỏe đã mở ra bước ngoặt cho cuộc đời ông mù với bao toan tính. Đêm ngủ thấy chồng cứ trăn trở chị Lê mới gạn hỏi. Khổng ngồi bật dậy, nói ý định đi làm lái bò. Nghe chồng nói một hơi chị Lê ngồi ngơ ngác…
Khổng theo mấy lái bò xin học nghề mua bò. Người ta cười hô hố tưởng đùa nhưng nín bặt khi Khổng cứ lầm lì bám theo. Ban đầu Khổng làm không công cho các lái bò, về sau lái thấy ông mù xem bò cự phách quá nên khoái đi đâu cũng gọi. Từ coi bò giùm, Khổng được lái cho tiền khi giúp họ chọn được bò tốt. Sau khi nắm rõ đường đi nước bước, Khổng tự mình đi riêng.
Khổng nói người mù có cái hay riêng của người mù, đó là đôi tay mẫn cảm và thính giác nhạy bén, tất cả những gì đã trải qua, đã tiếp xúc đều ghi nhớ rất kỹ. Khổng nói bò cũng có nhiều loại, có con hung dữ, có con kéo cày hay… Chẳng hạn, mua bò cày ruộng gặp bò có vết xoáy ngang mí mặt hay xoáy đập đầu thì đừng dại mà mua, bởi kéo cày một chút là thở phì phò, đoản sức. Còn mua bò thịt Khổng dùng tay vỗ vào lưng bò, vuốt đùi bò là đoán bò nặng bao nhiêu ký. Khổng cho biết bò mập chưa hẳn cho nhiều thịt bởi có nhiều mỡ, có con gầy nhưng trong đầy thịt. Chọn bò thịt không đúng, mua về vỗ béo nó vẫn không lên ký lô nào.
Là nhà nông nên Khổng hiểu con bò là cả tài sản, không phải ai cũng có tiền tậu được bò nên việc mua bán bò Khổng chu đáo tới từng chi tiết. Mấy chục năm trong nghề, bán cả trăm con bò chưa ai than phiền, trách móc hay mắng chửi Khổng là thằng mù vô lương tâm. Khổng nói có khi mua nhầm một con bò gia đình người ta lỗ lã sinh ra bất hòa, vợ chồng cắn đắng lòng bất an. Có lẽ vậy nên nông dân các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long như An Giang, Đồng Tháp, Hậu Giang, Bến Tre… muốn mua bò là cứ tìm đến người lái bò mù để mua những con đúng ý mình mà không sợ bị hố. Khổng bán bò nhưng cá tính lắm, ai đến mua đàng hoàng thì bán, còn đến cắc cớ buộc Khổng trổ tài chỉ từng cái xấu của bò hay thương hại những người khuyết tật là Khổng từ chối ngay. Cứ đôi ba ngày, Khổng đi khắp miệt thôn sóc săn lùng bò, mua đi bán lại, lấy công làm lời. Bò thịt Khổng bỏ mối cho tiểu thương, lò mổ, còn bò kéo bán cho bà con miền bưng, miền trên. Khổng còn qua Campuchia tìm mua bò. Nhiều nơi người ta thấy ông xem bò sao trúng quá nên nghi ngờ ông giả mù. Nhưng khi kiểm lại và nghe cảnh ngộ ai cũng mến.
|
Khổng tâm sự bây giờ nông dân dùng máy móc thay sức trâu bò cày xới, chuyển lúa thóc nhưng ở một số miệt miền bưng trâu bò vẫn hữu ích. Khổng cũng coi theo vùng mà tư vấn cho người mua bò, như ở vùng Hậu Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp… làm thuần nông 2 – 3 vụ nên đất ruộng thường là đất lún, đất lầy, đất sụp nên chọn bò loại gì cho hợp. Còn ở vùng núi khan nước nên chọn bò loại gì.
Chẳng hạn như bò móng dày đi lộ đá rất hay, còn bò móng mỏng đi đường cát rất giỏi, còn bò chậu móng bự lội nước giỏi, đạp sình sâu, đi lâu không mỏi. Riêng bò chậu móng nhỏ, đi nhanh, dẻo, bền trên lộ đường cát, nhưng đưa xuống miền bưng thì đi bị lún, chân quều quào đi không nổi. Ngoài lái bò Khổng còn nuôi bò thịt để bán, bò xài để lấy sức kéo. Hết mùa vụ quay về quê làm lúa, bán bò, còn làm thêm nghề phủ giống bò. Vợ chồng xài nhín nhún nên của cải trong nhà tăng dần, giờ gia tài của anh là 5 cặp bò, 6 con ghé, 1 ha ruộng, nó là gia tài không nhỏ đối với nhà nông.
Ngồi nhớ lại chuyện đã qua, Khổng rùng mình. Nếu ngày đó cứ khư khư oán trách số phận hẩm hiu, không gượng dậy sống thoải mái với đời thì có lẽ tự tay đã dập vùi đời mình. Khổng nghĩ hạnh phúc, duyên tình, tiền của có khi nào từ trên trời rơi xuống, nếu có chắc đã đặng bền lâu! Cái gì cũng phải tự bản thân dấn thân tìm tòi, thất bại cũng là bài học để gượng dậy đi tiếp, còn thành công là sự khích lệ tiếp tục vượt lên… Suy nghĩ ấy phải chăng đã tạo sợi dây tình vợ chồng keo sơn giữa hai người một mù một sáng!t
Bài & ảnh: Thanh Dũng (Theo Thanh Niên)