Share

Sống chậm ở Luang Prabang

Mục lục

Luang Prabang – cái tên rất đỗi quen thuộc mỗi lần có người nhắc đến đất nước Lào láng giềng. Ấp ủ từ lâu, nay tranh thủ Sea Games, chúng tôi mới có dịp đến đây và khám phá.

songchamoluangprabang1Chùa Sala Pha Bang trong khuôn viên hoàng cung ở cố đô Luang Prabang

Chúng tôi đến Luang Prabang vào chớm trưa ngày cuối năm khi thành phố vẫn còn chìm dưới sương mù. Chiếc máy bay ATR72 rẽ mây và sương mờ giăng kín để tiếp giáp mặt đất.

Luang Prabang nằm ở vùng núi phía bắc của Lào trên độ cao 300m so với mực nước biển, bên cạnh hai dòng sông Mekong và Nậm Khan. Là cố đô của Lan Xang – đất nước triệu voi – được thành lập bởi vua Fa Ngum năm 1353. Luang Prabang là cố đô của Lào từ 1353 – 1563 và là nơi ở của các vua Lào đến năm 1975.

Hiện nay Luang Prabang vẫn là trung tâm Phật giáo của Lào với rất nhiều đền chùa quan trọng, được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới vào năm 1995.

Luang Prabang cũng như thủ đô Vientiane là một thành phố nhỏ và bình yên. Dù du khách đông hơn nhiều so với Vientiane nhưng cũng không thể gọi đây là một đô thị sầm uất.

Trên đường về khách sạn The Grand nằm ở ngoại ô Luang Prabang ngược với hướng ra sân bay, sương vẫn giăng và bầu trời vẫn còn u ám. Phía sau khách sạn là sân cỏ xanh mướt mát được tỉa tót và chăm sóc cẩn thận nằm ngay sát bờ sông Mekong, nơi bờ bên kia là những dãy núi trùng điệp.

Chúng tôi có chuyến đi thăm hang Pak Ou cách Luang Prabang chừng 25 km. 12g trưa, nắng vàng rực rỡ và bầu trời trong xanh, mọi thứ ấm áp hẳn lên và không khí thật dễ chịu.

Trong động Pak Ou không có gì thật đặc sắc nhưng thú vị ở những câu chuyện kể về những bức tượng Phật đủ kích cỡ và chất liệu, những bức tượng do chính người dân bình thường với đức tin không bờ bến mang đến nơi đây từ nhiều thế kỷ trước nhằm tránh xa các cuộc chiến.

Bữa ăn trưa muộn với bia Lào, cơm lam và cá bên cạnh dòng sông Ou với núi non hùng vĩ càng làm tăng thêm chất thú vị.

Trở lại Luang Prabang lúc chiều đã muộn, phía sau cửa sổ phòng khách sạn, con sông chảy về đất mẹ Việt Nam ánh lên trời chiều màu tím hồng rực rỡ. Từ trên sân cỏ nhìn dòng sông in hình những rặng núi, thấp thoáng đâu đây vài chiếc thuyền con của những người thợ đánh cá đang thả lưới, phong cảnh quá hữu tình cứ hút hồn.

songchamoluangprabang2

Sông Mekong uốn dòng giữa bình yên của làng quê Luang Prabang

songchamoluangprabang3

Những gian hàng bán tranh giấy dó

songchamoluangprabang4

Một nghệ nhân trẻ tuổi vẽ ngay tại chợ

songchamoluangprabang5

Chợ đêm tấp nập là nét đáng yêu của thành phố bình yên dành cho du khách

Hấp dẫn chợ đêm

Sâm sẩm tối là lúc thích hợp vào trung tâm thành phố đi chợ đêm, thú vui của khách du lịch bốn phương. Các gian hàng san sát nhau dưới lòng đường chỉ cho người đi bộ, dưới ánh đèn vàng các sản phẩm như đẹp hơn, long lanh hơn. Các mặt hàng cũng chủ yếu nhắm vào khách du lịch, nào là lụa Lào, xàrông, các loại quần áo sặc sỡ cho đến đồ thủ công mỹ nghệ bằng nhiều chất liệu khác nhau (đá, bạc…).

Tôi dừng lại thật lâu ở gian bán tranh được vẽ tương đối cầu kỳ với màu sắc hài hòa trên giấy dó, được vẽ ngay tại chợ cho du khách thưởng thức. Tranh có nhiều loại, to nhỏ khác nhau, motip cũng phong phú, về cuộc sống hằng ngày, tranh dân gian, tranh các nhà sư và các motip về Phật giáo… bày bán la liệt.

Khách du lịch lân la hết sạp hàng này đến sạp hàng khác, cái chính là để thưởng thức không khí chợ cũng như quan sát kẻ bán người mua. Đi chợ đêm không thể bỏ qua khu chợ ẩm thực với đủ các món đặc trưng của Lào, phổ biến nhất là món cơm nếp Lào, chỗ nào cũng có thể mua được. Các món ăn của Lào tương đối rẻ và cay.

Về đêm trong trung tâm thành phố nhộn nhịp hơn hẳn ban ngày, do sức hấp dẫn của chợ đêm và những hàng quán thơm phức mùi thức ăn. Bạn có thể vừa ăn vừa ngắm khách du lịch qua lại, rất thú vị.

songchamoluangprabang6

songchamoluangprabang7

Màu vàng của áo cà sa rải khắp các phố, trong sân những ngôi chùa

Những ngôi chùa in dấu

Đến Luang Prabang không thể quên được các quần thể chùa chiền, là trung tâm Phật giáo của Lào, Luang Prabang có đến 35 đền chùa khác nhau, nơi nào cũng đáng tham quan. Ấn tượng mạnh nhất với tôi có lẽ là chùa vàng Wat Xieng Thong. Quần thể những ngôi chùa ở đây hài hòa và mang nét kiến trúc đặc trưng Lào.

Cũng như ở khắp nơi trên đất nước triệu voi, các nhà sư rất được trọng vọng tôn kính. Dâng thức ăn cho các nhà sư vào mỗi buổi sáng được coi là là niềm hạnh phúc và sự ban tước phước lộc đối với mỗi người. Mỗi sáng cảnh tượng quanh các chùa chiền ở Luang Prabang sống động hẳn khi hàng đoàn người quỳ xuống dâng thức ăn cho các vị sư.

Đặc biệt ở Luang Prabang dễ bắt gặp mọi lúc mọi nơi những bóng áo cà sa của sư sãi. Trên đường, trong chùa hay lênh đênh trên những cây cầu tre nối qua sông Nậm Khan, chỗ nào cũng thấy hình dáng họ tô điểm thêm một nét rất riêng cho thành phố.

Trèo 300 bậc lên với đỉnh Phou Si là “nghi lễ“ không thể thiếu được khi đến Luang Prabang của bất kỳ du khách nào. Đỉnh núi thiêng nằm ngay trong trung tâm thành phố, đối diện với hoàng cung. Từ trên cao nhìn xuống thành phố như một nàng tiên trong giấc mộng, tha hồ thả cho hồn cho bay bổng. Và khi hoàng hôn xuống, đỉnh Phou Si sẽ nằm trọn trong tay khách du lịch, mỗi khoảnh khắc thời gian lại mang đến cho cảnh vật những nét mơ màng khác nhau.

Trên đường xuống núi khách thường ghé khu vườn tượng Phật, nơi có đủ Phật thứ hai cho đến Phật chủ nhật và vết chân Phật khổng lồ.

Chúng tôi rẽ vào hoàng cung, Bảo tàng Quốc gia… Những không gian yên tĩnh và thoáng mát với hồ nước nở đầy hoa súng, với những hàng dừa và cọ xen lẫn nhiều loại cây che mát… Đẹp và hoành tráng hơn trong khuôn viên hoàng cung là ngôi chùa Sala Pha Bang, nơi tượng Phật Pha Bang, món quà của vua Khơmer dành cho vua  Fa Ngum khi ông lên ngôi, được lưu giữ và trưng bày.

Lòng vòng suốt mấy ngày với một loạt đền chùa những ngày ở Luang Prabang nhưng vẫn không có cảm giác nhàm chán. Nơi nào cũng để lại những dấu ấn bình yên và rất riêng…

songchamoluangprabang8

Ấn tượng của Luang Prabang là những tháp chùa cao vút mảnh mai vẽ lên trời

songchamoluangprabang9

Du khách vui sướng leo lên đỉnh Phou Si ngắm hoàng hôn

songchamoluangprabang10

Có đủ Phật cho từng ngày trong tuần

Lang thang trên phố, chúng tôi thường thích sà vào những quán ăn ven đường. Và có một buổi chiều như thế với món phở kiểu Lào thật cay, ngay bên dòng Nậm Khan.

Bữa ăn khá ngon và rẻ, vừa ăn vừa ngắm bọn trẻ hai bên bờ sông chọc ghẹo lẫn nhau. Một bên là trẻ trên phố vừa đi học về, một bên bọn trẻ nông thôn đang trần truồng bêu nắng trên những vạt cát ven sông cạnh những thửa ruộng xanh ngát. Ai nhìn thấy cảnh tượng huyên náo trên cũng bất giác mỉm cười.

Cuộc sống trôi đi như thật chậm ở những nơi này…

songchamoluangprabang11

Ngày cứ trôi qua thật chậm rãi và bình yên như thế này ở Luang Prabang

NAM VINH – VI BẰNG (Theo Tuổi Trẻ)

Tour Liên quan

Không có thông tin

Bài viết tương tự

Các “tín đồ xê dịch” đã có kế hoạch gì cho kỳ nghỉ lễ 30/04 –...
Các “tín đồ xê dịch” đã có kế hoạch gì cho kỳ nghỉ lễ 30/04 –...
Ít ai biết rằng vào mùa xuân, hoa anh đào ở Mỹ cũng mang vẻ đẹp...
Ít ai biết rằng vào mùa xuân, hoa anh đào ở Mỹ cũng mang vẻ đẹp...

@dulichHoanMy