Một gia đình ở Cam Túc đã quyết định ở trong “ngôi nhà hang” nhỏ dưới chân thành để ngăn cản những người xấu đến lấy cắp gạch đá xây nên công trình kỳ vĩ này.

1 54
Gia đình anh Yang không bao giờ rời mắt khỏi bức tường thành – Ảnh: China Daily
Xiamaguan là một căn cứ để quân đội thời xưa nghỉ lại, từng có tường thành bằng đất và gạch, giống như các phần khác của Vạn Lý Trường Thành. Tháp canh, nơi gia đình anh Yang sinh sống, từng là cổng phía nam của Xiamaguan.
Người Trung Quốc có câu ngạn ngữ: “Nếu có một người canh gác quá khứ, hàng ngàn người sẽ không thể bước qua”. Giờ đây có đến hai thế hệ trong một gia đình ở khu tự trị phía tây bắc đất nước này đang cố gắng gìn giữ quá khứ đó. Họ sống trong lòng một hốc nhỏ ở chân thành, tại thị trấn Xiamaguan có từ thời nhà Minh.

“Nhà cháu sống trong Vạn Lý Trường Thành” – cô con gái nhỏ mới lên 6 của nhà anh Yang Guoxing tự hào khoe với khách đến thăm.

“Chúng tôi đã trải qua một cuộc chiến dài” – anh Yang nói về khoảng thời gian 60 năm gia đình anh đã vật lộn để bảo vệ tường thành. Bắt đầu là cha anh (giờ đã mất) rồi đến anh cùng hai đứa con gái.

2 46
Một tháp canh trên cổng phía nam của Xiamaguan, nơi nhà báo Edgar Snow phỏng vấn Mao Trạch Đông năm 1936
Tuy nhiên, trong vài thế kỷ qua, phần lớn tường thành trở thành gạch vụn, một phần là do thiên nhiên, một phần là do người dân địa phương khai thác gạch để làm nhà. Vào những năm 1980, những kẻ buôn lậu còn đem bán từng phần bức tường thành như một thứ đồ cổ.

Để xua đám người xấu khỏi tháp canh, bố của Yang, ông Yang Qinglu, đã xây hàng rào vào năm 1955, rồi 3 năm sau đó chuyển vào một “ngôi nhà hang” mà ông biến tấu từ một lối vào thành.

Anh Yang Guoxing là con út trong gia đình 5 anh em, sống trong hang này từ lúc mới sinh. Anh nhớ hồi còn bé, anh hay trèo lên mặt cổng thành và ngắm nhìn hoàng hôn buông xuống khắp khu thành cổ. Anh còn nhớ những lần bố mình chiến đấu với những kẻ trộm gạch. “Lúc đầu họ đều là hàng xóm của chúng tôi. Những viên gạch rất dày và rắn chắc. Ai không muốn chúng trở thành vật liệu xây nhà cơ chứ?” – anh giải thích.

Thế là người dân bắt đầu khai thác để bán bởi giá rất cao. Lúc đó, vào những năm 1980, một viên giá 1 nhân dân tệ, trong khi thu nhập trung bình tháng của một gia đình ở vùng đó chỉ từ 30-50 nhân dân tệ.

3 39
“Nhà hang” của gia đình anh Yang
Sự “cứng đầu” của anh Yang khiến gia đình anh tách biệt với hàng xóm. Nhiều người đóng sầm cửa trước mặt anh khi anh đến vận động họ từ bỏ ý muốn khai thác bức tường này. “Đôi khi tôi thấy cô đơn và tôi thấy mình nợ gia đình một nơi sinh sống tử tế – anh tâm sự – Nhưng tôi biết bức tường thành sẽ mau chóng bị gỡ hết gạch đá nếu tôi rời đi”.
“Nhưng bố tôi đã đuổi tất cả bọn họ đi” – anh Yang khoe. Ông cụ còn từ chối sống ở một căn hộ rộng rãi giữa trung tâm thành phố. “Tất nhiên sống ở đó thuận tiện hơn so với cái hang này – Yang nói – Nhưng bố tôi lo cho những viên gạch nếu ông rời đi. Ông ấy không thể bỏ Vạn Lý Trường Thành”.

Trước khi ông mất vào năm 1998, ông muốn Yang tiếp tục ở lại để bảo vệ bức tường. Còn các anh em của anh đã dọn đến căn hộ kia.

Rồi năm 2000, Yang lấy vợ là Li Yonghon. Người vợ muốn đến một căn hộ hiện đại hơn nhưng anh và mẹ, giờ đã 70 tuổi, vẫn kiên quyết ở lại. Rất may là hai cô con gái của anh rất thích sống ở đây và thích được gọi là “các nàng công chúa của Vạn Lý Trường Thành”.

4 31
Anh Yang, hai đứa con gái và bà mẹ 70 tuổi đang sống trong “hang” để canh gác cho Vạn Lý Trường Thành
Hiện Yang là người trụ cột kiếm tiền cho cả nhà. Anh làm đủ mọi nghề lặt vặt và không thể đi xa để kiếm việc vì lúc nào cũng phải để mắt đến bức tường thành. Anh đã viết những chữ lớn lên trên đó: “Mọi người hãy bảo vệ Trường Thành”.
“Tường thành đã chứng kiến nhiều dấu ấn lịch sử – Yang bày tỏ – Gỡ một viên đá, một viên gạch xuống nghĩa là xóa đi những dấu ấn lịch sử đó”.
Từ năm 2005 tới nay, nhiều lớp học sinh đã tới đây để thu thập thông tin về phần tường thành này. Đây là nơi chứng kiến những ngày huy hoàng của lịch sử Trung Quốc, từ thời cổ xưa đến thời hiện đại.

Năm 1936, nhà báo người Mỹ Edgar Snow đã đến phỏng vấn ông Mao Trạch Đông trong tháp canh ở cổng thành, nơi gia đình Yang đang sống. Yang nói phần lịch sử này có ý nghĩa rất lớn với người cha quá cố của anh bởi ông rất ngưỡng mộ các cuộc cách mạng.

Các nhân viên bảo tồn di tích cũng có ý chuyển gia đình anh đi nơi khác và tự bảo vệ tường thành nhưng đến nay chưa điều gì được thực hiện.

(nguồn: tuoitreonline)