Nhiều quốc gia ở Châu Á, trong đó có Việt Nam, đón Tết Nguyên Đán với những phong tục tập quán khác nhau. Đây là dịp giúp bạn có những trải nghiệm thú vị và đáng nhớ.
TRUNG QUỐC
Tết Nguyên Đán là quảng thời gian quan trọng nhất trong năm tại Trung Quốc. Không khí khắp nơi đều vui vẻ, náo nhiệt, nhiều phong tục và lễ hội thú vị được tổ chức. Do vị trí địa lý gần gũi, Tết cổ truyền của Trung Quốc và Việt Nam có nhiều nét tương đồng.
Du khách có thể chọn đón tết tại thủ đô Bắc Kinh hiện đại, hoặc tới thành cổ Bình Dao (tỉnh Sơn Tây), nơi có lịch sử lâu đời, không gian cổ kính, các phố đều treo đèn lồng đỏ vào dịp Tết.
Tuy nhiên, việc di chuyển tại Trung Quốc trong dịp Tết Nguyên Đán khá khó khăn, đặc biệt là đường sắt. Vì vậy, du khách nên đặt trước vé và khách sạn từ sớm.Thành phố Cáp Nhĩ Tân (tỉnh Hắc Long Giang) cũng là nơi đáng tới vào thời điểm này, với Lễ hội Băng – văn hóa đặc trưng của địa phương. Ngoài ra, du khách có thể tới thành phố Quảng Châu (tỉnh Quảng Đông), nơi nổi tiếng với hội chợ hoa ngày Tết. Khách tới hội chợ thường được tặng phong bao lì xì màu đỏ, tượng trưng cho lời chúc may mắn đầu năm.
MÔNG CỔ
Tết âm lịch của người Mông Cổ có tên Tsagaan Sar (Tết Tháng Trắng), có ý nghĩa kết thúc mùa đông lạnh giá, khởi đầu năm mới ấm áp, cũng là thời điểm vào vụ trồng trọt và chăn nuôi.
Nếu có cơ hội đón Tết cùng các gia đình ở Mông Cổ, du khách sẽ được trải nghiệm những nét văn hóa khác biệt, mới lạ của dân du mục bản địa. Gia chủ sẽ mời bạn 3 lần rượu đồng thời tặng bao lì xì. Trước khi ra về, khách tặng lại cho gia chủ một món quà để thể hiện “lộc đầu năm”.
Đến Mông Cổ vào dịp Tết, khách du lịch còn có cơ hội chiêm ngưỡng hoặc trực tiếp tham gia các cuộc thi đua ngựa, bắn cung – hoạt động nổi bật tại quốc gia này. Món ăn truyền thống ngày tết Mông Cổ là bánh nhân thịt cừu. Các món ăn ngày Tết ở Mông Cổ chủ đạo vẫn là thịt cừu, thịt bò, mỳ hoành thánh, sữa ngựa lên men và sữa dê.
HÀN QUỐC
Một trong những yếu tố du khách nên thưởng thức trong ngày Tết Hàn Quốc là văn hóa ẩm thực. Người Hàn Quốc chuẩn bị các món ăn truyền thống cho Tết Nguyên Đán đa dạng và cầu kỳ. Bàn thờ đêm Giao thừa có khi hơn 20 món. Nhiều món ăn không thể thiếu trong ngày Tết như tteokguk (canh bánh gạo), galbijjim (thịt hầm), japchae (miến trộn rau), yakgwa (món tráng miệng truyền thống)…
Du khách có nhiều lựa chọn tham quan thích hợp với dịp Tết ngay tại thủ đô Seoul như: Cung điện Gyeongbokgung, Làng cổ Hanok, Bảo tàng Lịch sử Seoul, Miếu thờ Hoàng gia Jongmyo…Những nơi này vẫn mở cửa đón khách du lịch vào dịp Tết đồng thời tổ chức các chương trình, sự kiện văn hóa đầu năm.
NHẬT BẢN
Nếu du khách muốn thử tận hưởng một cái Tết không ồn ào, trầm lắng và suy tư hơn, Nhật Bản chính là địa điểm thích hợp.
Trước đây Nhật Bản cũng có Tết Nguyên Đán, tuy nhiên từ năm 1873 đến nay, người Nhật chuyển sang đón Tết Tây (ngày 1.1 Dương lịch) nhằm tiết kiệm thời gian và tăng lợi ích kinh tế. Mặc dù vậy, Tết của người Nhật Bản vẫn giữ được những nét truyền thống, không bị mai một theo thời gian.
Trong đêm Giao thừa, du khách có thể thử thưởng thức mì sợi dài toshikoshi-soba giống người Nhật, sau đó tới thăm một ngôi đền hoặc chùa để cầu nguyện, uống rượu amazake được phát cho đám đông tại các đền thờ Thần đạo Shinto, rút quẻ đầu năm. Một số đền chùa nổi tiếng ở Nhật Bản dịp tết là đền Minh Trị Thiên Hoàng ở Tokyo, đền Fushimi Inari Taisha ở Kyoto, Sumiyoshi Taisha ở Osaka…
Một số vật phẩm có thể mua làm quà như bùa may mắn, thiệp mừng năm mới. Tấm bưu thiếp của Nhật Bản thậm chí có in dãy số bốc thăm may mắn đầu năm với giải thưởng là tiền mặt hoặc đặc sản địa phương
MALAYSIA
Cứ đến ngày 1 tháng 1 hàng năm (theo lịch Hồi giáo), người Malaysia lại tưng bừng đón Tết Nguyên Đán cổ truyền với rất nhiều hoạt động ý nghĩa. Tết Nguyên Đán ở Malaysia sôi động nhất là tại thủ đô Kuala Lumpur và đảo Penang (có nhiều người dân gốc Hoa sinh sống). Đến Malaysia vào thời gian này, du khách sẽ được trải nghiệm rất nhiều hoạt động truyền thống thú vị, đặc biệt là màn pháo hoa hoành tráng ở tòa tháp đôi Petronas – niềm tự hào của người dân Malaysia.
SINGAPORE
Nếu bạn là người yêu thích các lễ hội sôi động thì Singapore sẽ là điểm đến lý tưởng nhất trong dịp Tết Âm lịch. Diễn ra cùng thời điểm với Tết Nguyên đán của Việt Nam, tại Singapore tưng bừng Lễ hội Mùa xuân với 3 sự kiện hấp dẫn: Lễ hội Hoa đăng, Lễ hội Singapore River Hongbao và Lễ hội đường phố Chingay. Từ đêm Giao thừa đến hết rằm tháng giêng, đảo quốc Singapore xinh đẹp luôn nhộn nhịp, niềm vui ngập tràn trong không khí lễ hội.
INDONESIA
Dù Tết Nguyên Đán không phải là một lễ hội tôn giáo, thế nhưng người Indonesia gốc Hoa vẫn tổ chức các hoạt động đón Tết tại chùa, nhà thờ và các ngôi đền. Đừng ngạc nhiên nếu bạn được ai đó chào mừng bằng câu “Selamat Hari Raya” vào dịp Tết Âm lịch nơi đây. Câu chúc mừng này có nghĩa “Chúc một lễ hội vui vẻ”, được dùng trong tất cả những dịp lễ hội lớn ở Indonesia.
ĐÀI LOAN
Nếu bạn vừa muốn đi du lịch vừa muốn tận hưởng trọn vẹn không khí Tết Nguyên Đán thì Đài Loan sẽ là sự lựa chọn lý thú. Giống Trung Hoa lục địa, Tết cổ truyền ở Đài Loan cũng được coi là một trong những lễ hội lớn nhất trong năm. Ngày lễ này còn được gọi là Xuân Tiết, là dịp mọi người đến chùa chiền để cầu nguyện cho năm mới an khang, hạnh phúc.
Người dân Đài Loan còn chuộng việc treo các cuộn giấy màu đỏ trước cửa nhà mình vào dịp Tết. Trên các cuộn giầy này là những lời chúc năm mới thành công, phát tài phát lộc, dồi dào sức khỏe cho tất cả mọi người trong gia đình và xã hội.
BHUTAN
Vào ngày cuối cùng của năm cũ, các gia đình ở Bhutan tất bật dọn dẹp nhà cửa và dâng lên bàn thờ các loại thực phẩm và hoa quả để tạ ơn thần linh và tổ tiên đã ban tặng cho họ cuộc sống ấm no trong năm cũ, sau đó đón Tết Losar.
Cũng giống như Tết cổ truyền ở Việt Nam, Tết Losar ở Bhutan là một trong những ngày lễ quan trọng nhất của đất nước này và được tổ chức rất long trọng. Losar là một từ trong tiếng Tạng (có nghĩa là Năm Mới), còn gọi là Tết Tây Tạng. Losar là ngày lễ quan trọng nhất tại Bhutan và Tây Tạng, được tổ chức vào tháng 2 Dương lịch. Losar diễn ra trong 15 ngày, các hoạt động chính diễn ra trong 3 ngày đầu tiên. Vào ngày đầu tiên, mọi người thưởng thức một loại thức uống giống bia gọi là Changkol.