Nhà cửa ở Malacca (Malaysia) sặc sỡ và đa dạng như các dân tộc sống ở thành phố đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Quá khứ thời thuộc địa của thành phố cảng này có thể khám phá bằng một chuyến xích lô hoặc vào bếp nấu ăn, nơi các món ăn được chế biến rất tinh tế.
Đó là sự hòa quyện tuyệt vời giữa các nền văn hóa thế giới Malacca
Một tour đi xích lô để khám phá Malacca lịch sử là điều không thể bỏ qua. Từ quảng trường đỏ với những công trình kiến trúc từ thời thuộc địa Hà Lan với màu đỏ đặc trưng qua lâu đài quốc vương (Sultan), qua khu phố Tàu, qua quận của người Mã Lai đến khu của người Ấn, thăm chùa của người Hoa, thăm nhà thờ Thiên Chúa giáo, những đền thờ của người Ấn và những nhà thờ Hồi giáo.
![]() |
Đèn lồng đỏ trên các con phố ở Malacca |
![]() |
Xích lô được trang trí sặc sỡ |
China town là trái tim lịch sử của Malacca thời thuộc địa. Trên các ngõ phố với những cửa hàng đẹp như những bức tranh, những biệt thự hoành tráng của những lái buôn người Trung Quốc và châu Âu xung quanh đường Jalan Hang Jebat, thời gian như ngừng trôi từ nhiều thế kỷ.
Những người thợ thủ công vẫn miệt mài với công việc hằng ngày của họ trong các xưởng như từ hàng trăm năm nay, và khi màn đêm buông xuống những khu xưởng ấy lại trở thành nhà ở cho cả gia đình họ. Trong những quán “cà phê”, những người già gốc Trung Quốc ngồi uống trà, tán chuyện và thưởng thức những món ăn truyền thống của họ.
Chỉ có những cửa hàng bán đồ lưu niệm “made in China” là mang tính thời sự, hiện đại. Cả những chiếc bóng đèn điện lắp trong những đèn lồng trên phố dù về đêm chúng vẫn tỏa ra một thứ ánh sáng dịu êm soi sáng các con phố cổ. Và tất nhiên cả một số nhà hàng, quán cà phê và khách sạn trên đường Jalan Hang Jebat.
![]() |
Nhà thờ Hồi giáo Kampung-Kling cùng tồn tại với hàng loạt nhà thờ và chùa chiền của các đạo giáo khác |
![]() |
Đền Hoon-Teng của người Hoa từ thế kỷ 15 |
Baba-Nyonya, Chittys và Eurasier
Đã từ lâu Malacca tồn tại nhiều giáo phái khác nhau thu hút nhiều dân tộc và nhiều nền văn hóa khác nhau đến từ khắp nơi trên thế giới.
Người Mã Lai từ Java và Sumatra đã đến đây tìm cơ hội của mình, lái buôn người Hoa mang tơ lụa và gốm sứ tới đây bán cho những khách hàng giàu có từ Ấn Độ hay châu Âu. Chính người Ấn Độ và Ả Rập giàu có đã mang đạo Hồi đến đây từ cách đây hàng trăm năm. Từ đây đạo giáo này đã dần dần lan truyền đến bán đảo Mã Lai cũng như quần đảo Indonesia ngày nay.
Năm 1545, giáo sĩ người Tây Ban Nha Francisco de Xavier đã theo người Bồ Đào Nha đến Malacca để truyền Công giáo đến với châu Á. Nhưng sau khi Malacca trở thành thuộc địa của người Hà Lan thay thế người Bồ Đào Nha thì Công giáo không được lan rộng bởi lẽ người Hà Lan theo dòng Tin lành, và họ không hào hứng với việc truyền đạo mà chỉ tập trung vào buôn bán gia vị, trà, cà phê.
![]() |
Quảng trường đỏ với nhà thờ Công giáo |
Malacca là cố đô của Malaysia, trong thế kỷ 15 nó là thành phố cảng quan trọng nhất về giao thương giữa Đông và Tây (giữa châu Á và châu Âu). Không có gì đáng ngạc nhiên khi các thủy thủ thời đó đã đặt tên cho cung đường giữa Sumatra và bán đảo Malaysia là “Cung đường Malacca“. Đến nay, mỗi năm vẫn có khoảng 2.000 con tàu đi qua cung đường này dù thời hoàng kim của Malacca đi vào quá khứ, khi chế độ thuộc địa ở Đông Nam Á tan rã và Singapore đã thay thế Malacca là hải cảng quan trọng nhất của khu vực. |
Tất cả những nền văn hóa có ảnh hưởng lớn ở châu Á trong những thế kỷ gần đây nhất đều để lại những dấu ấn của họ ở Malacca.
Tại “làng Bồ Đào Nha” (Portugese village) vẫn còn hậu duệ của những thủy thủ nước này sinh sống. Những chiến thuyền của Bồ Đào Nha thuở ấy đã phải neo đậu tại Malacca hàng tháng trời đợi gió thổi đúng hướng để đưa họ đến những đảo trồng gia vị hay quay trở về quê hương – một thời gian đủ dài để họ hưởng khoái lạc với phụ nữ bản địa và để lại những giọt máu của mình.
“Làng Bồ Đào Nha” của Malacca ban ngày không thật bình yên, nhưng khi đêm về, người ta có thể thưởng thức những món ăn của biển cả theo kiểu của người Bồ Đào Nha tại những nhà hàng ven biển, dù nước chấm lại mang hương vị gừng và hạt tiêu của người Mã Lai.
Cũng giống như người Bồ Đào Nha trước họ, người Hoa, người Ấn và người Anh cũng để lại hậu duệ của họ ở nơi này và tạo ra những “giống nòi” mới: người Baba-Nyonyas là con cháu của đàn ông người Hoa với phụ nữ Mã Lai. Eurasier mang dòng máu của người châu Âu và Chitty là hậu duệ của người Ấn Độ. Nhưng người Hoa và người Baba-Nyonyas vẫn là nhóm người đông nhất và để lại những truyền thống văn hóa rõ nét nhất ở Malacca.
Một số người Hoa là lái buôn đã đến đây lập nghiệp, nhưng phần lớn họ được người Anh đưa đến đây làm việc thay cho người Hà Lan khi Malaysia trở thành thuộc địa của nước này.
Câu chuyện những đôi giày
Một ví dụ về văn hóa của người Peranakan là cửa hàng nhỏ làm giày mang tên Wah Aik, nằm chéo phía bên kia đường so với đền Cheng-Hoon-Teng từ thế kỷ 15, nơi được trang trí với rất nhiều tượng phỏng theo các truyền thuyết của người Hoa.
Tại đây từ ba thế hệ nay gia đình Yeo, mà hiện tại là hai anh em Raymond und Toni Yeo, vẫn khâu hài bằng tơ lụa cho những phụ nữ người Hoa. Nhưng khách hàng của họ bây giờ chủ yếu là du khách, bởi lẽ truyền thống đi những đôi giày tí hon này đã thuộc về quá khứ.
![]() |
Những chiếc giày mini Yeo xinh xắn như cho búp bê nhưng đối với phụ nữ người Hoa thì chúng là một sự hành xác |
![]() |
Raymond Yeo – người đàn ông sản xuất giày Yeo với chiếc máy khâu Singer của ông ông để lại vẫn chưa phải đem đi sửa lần nào |
Sản phẩm chính của anh em họ Yeo bây giờ là những đôi hài được thêu rất cầu kỳ dành cho Nyonyas, những người phụ nữ Peranakan. Họ vẫn khâu chúng bằng chiếc máy may Singer của Đức với số hiệu EA 993932 do ông nội họ đã mua từ cách đây rất lâu.
“Cái máy khâu này chưa bao giờ bị hỏng” – Raymond Yeo tự hào kể. Để làm xong một đôi hài như thế anh cần hai tháng. Những chị em gái của họ cần một thời gian lâu như vậy để thêu và đính những hạt ngọc trai bé tí tẹo tạo cho những đôi hài những mẫu mã đặc sắc.
![]() |
Những mẫu giày Nyonyas thêu cầu kỳ nhất được trưng bày trong tủ kính |
Người Hoa và người Mã Lai ngày nay không chỉ hợp nhất về mặt gen học, họ còn hợp nhất về cách nấu ăn, tạo nên một văn hóa ẩm thức đặc biệt mà ngày nay bên cạnh Malacca chỉ thấy có ở Georgetown và Singapore.
Nhà hàng Peranakan ở Malacca là một trong những nơi mà nghệ thuật nấu nướng của người Baba-Nyonya vẫn còn được duy trì theo đúng truyền thống. Tại đây du khách có thể đặt món Ayam Buak Keluak, món thịt gà cà ri hơi chua và hơi cay nấu với hạt Buak-Keluah. Và thật không thể có cách nào thú vị hơn thế để khám phá lịch sử, truyền thống cũng như văn hóa của người Babas-Nyonyas bằng cách ấy.
![]() |
Nhà hàng Peranakan |
NAM HẢI (Theo Tuổi Trẻ)