Thảm hoạ giúp chúng ta gần nhau hơn

Kevin Bowen là người Mỹ đầu tiên và kiên trì suốt bao năm truyền bá văn học Việt Nam vào Mỹ, trong những thời khắc khó khăn nguy hiểm, cũng là người dẫn đầu đoàn nhà văn cựu binh Mỹ đến Hà Nội lần đầu tiên để gặp gỡ các nhà văn cựu binh Việt Nam…

Với vai trò giám đốc trung tâm William Joiner của đại học Massachusetts, ông đã tập hợp được nhiều nhà văn, nhà thơ danh tiếng của nước Mỹ và quốc tế góp phần không nhỏ thay đổi cách nhìn của người dân Mỹ và Chính phủ Mỹ với Việt Nam. Nhiều nhà văn Việt Nam đã yêu quý gọi ông là “đại sứ của văn hoá và tình yêu”…

Sau thời gian tham gia cuộc chiến tại Việt Nam, ông đã trở lại đây rất nhiều lần, lần sau thường ở lại lâu hơn lần trước. Dưới con mắt nhà thơ, ông cảm nhận thế nào về sự đổi thay ở Việt Nam trong mỗi lần quay lại?

tham hoa giup ta gan nhau hon_01Lần nào đến Việt Nam tôi cũng dành thời gian tản bộ trên đường phố, đi về những miền quê để ngắm nhìn mọi thứ. Cảm giác của tôi rất lẫn lộn. Có sự phát triển liên tục, nhưng cũng có những giá trị bị cắt ngang giữa quá khứ và hiện tại, nhưng cảm nhận chung nhất vẫn là sự liên tục lao về phía trước. Tôi cũng có những tình cảm trái ngược, thường nhớ về một Hà Nội và Sài Gòn cũ mà trước đây tôi từng thấy, nuối tiếc sự duyên dáng của thành phố đang bị mất đi… Nhưng đó là quy luật của sự phát triển…

Đêm qua, tôi đến một nhà hàng, mọi người say sưa hát và nói về âm nhạc. Nó diễn ra một cách rất tự nhiên. Đây cũng là lý do tôi cho con gái đi theo để cháu có cơ hội ngắm nhìn mọi thứ bằng chính mắt mình, cảm nhận về những người trẻ nơi đây. Chứng kiến mọi người sống hết mình, hết khả năng, hết năng lượng, tôi thấy mình như trẻ lại. Điều đó giúp tôi và những nhà văn giống tôi vượt qua sợ hãi, như đang trở về nhà. Đó cũng là sự thật về cuộc đời tôi.

Theo ông, người trẻ Việt Nam bây giờ có khác với thế hệ trẻ hôm qua nhiều không? Ông nhìn nhận thế nào về sự khác biệt ấy?

Tôi nghĩ rất khác. Hiện nay, nhiều người trẻ đang làm những điều thú vị mà tôi còn chưa làm được. Người trẻ Việt nhanh nhạy với công nghệ, liên kết toàn cầu, giống như giới trẻ thế giới. Họ có thể đọc, học, tự kết nối với nhau qua internet, mạng xã hội, có nhiều điều chung muốn chia sẻ hơn so với thế hệ trước. Sự khác biệt rất xa này có cái tốt và mặt trái. Người ta bán mọi thứ, tiêu thụ mọi thứ, nhưng thiếu hụt cơ bản về nền tảng của sự thụ hưởng…

Nhiều người lớn tuổi quan niệm giới trẻ ngày nay thiếu sâu sắc vì họ tốn quá nhiều thời gian nắm bắt những cái mới liên tục, không có nhiều thời gian để ngừng lại và chiêm nghiệm sâu hơn, ít quan tâm đến lịch sử vì mải chạy theo tin tức bề mặt toàn cầu. Đây luôn là bất đồng sâu sắc giữa thế hệ lớn hơn với thế hệ trẻ hiện nay.

Từng gặp rất nhiều trắc trở trong đời sống riêng, bản thân và gia đình từng bị đe doạ, vì sao ông vẫn theo đuổi đến cùng sự nghiệp xây chiếc cầu nối nhân văn giữa hai dân tộc với vai trò giám đốc trung tâm William Joiner?

Tôi đã từng tham chiến tại Việt Nam. Một ngày, tôi tưởng mình đã thiệt mạng. Sự sống sót này khiến tôi quyết định làm một việc gì đó có ý nghĩa. Cha mẹ tôi theo đạo Công giáo và từng tham gia nhiều hoạt động của xã hội và cộng đồng, nền tảng gia đình và tư tưởng Phật giáo đã giúp tôi chọn công việc khó khăn này.

Gia đình đã hỗ trợ tôi rất nhiều, tôi không thể làm gì nếu không có họ. Những người bạn của tôi ở Việt Nam cũng thế; với lý tưởng giống nhau, chúng tôi đã cố gắng làm những điều chúng tôi cho là quan trọng. Nếu mọi người không tin tưởng, mình sẽ khó mà có được sự sẵn sàng giúp đỡ, ủng hộ. Những lúc đó, chúng tôi bảo nhau cứ bước về phía trước. Tôi luôn nhận được cảm hứng và động lực từ người xung quanh. Khi gia đình tôi bị đe doạ, chúng tôi đã phải chuyển nhà đi nơi khác an toàn hơn. Nhưng chúng tôi đã ngồi xuống và nói chuyện với nhau. Chúng tôi đều đồng ý rằng điều chúng tôi đang làm rất quan trọng. Cuối cùng tôi vẫn theo đuổi công việc này vì vợ con, gia đình ủng hộ. Một điều nữa: tôi khá cứng đầu. Khi còn nhỏ, bất cứ việc gì mà ai cho rằng tôi không làm được thì tôi đều quyết tâm làm cho bằng được.

Là người am hiểu về văn hoá, lịch sử Việt Nam, ông đánh giá thế nào về nội lực của người Việt qua những thăng trầm lịch sử?

Những học trò người Việt mà tôi tiếp xúc cho thấy việc truyền và lưu giữ văn hoá truyền thống từ thế hệ này sang thế hệ khác của người Việt rất mạnh. Đó là điều rất quý giá. Người dân có vẻ rất gần gũi với thơ ca, văn học. Sự kết nối giữa gia đình với làng quán, với đất đai còn sâu sắc và mạnh mẽ lắm, khó mà bị phá huỷ. Người dân Việt tôn trọng sâu sắc văn hoá truyền thống của mình. Tôi tin giới trẻ biết cách kết nối văn hoá của họ với toàn cầu. Và ngược lại, chính họ có thể giúp bạn bè quốc tế biết cách học và tôn trọng văn hoá bản địa. Trong khi tiếp cận những cái mới trên thế giới, họ vẫn duy trì những truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Tôi mạnh mẽ khẳng định rằng người Việt ngày xưa cũng như giới trẻ ngày nay không dễ bị thống trị. Họ cũng rất “cứng đầu”, theo ý tích cực. Tôi hoàn toàn lạc quan về tương lai của giới trẻ Việt, dù tiếp xúc với thế giới hiện đại, nhiều bạn trẻ vẫn thích về miền quê sinh sống, làm việc. Người trẻ tại đây có sự tập trung, chú ý hơn vì dường như họ đã tìm ra điểm đến. Họ đã có những mục tiêu nhất định và cố gắng đạt được mục tiêu đó, dùng mọi nỗ lực để đạt được điều đó.

Theo ông, giáo dục Việt Nam thiếu nhất điều gì?

Sự đối thoại. Đây là điều tôi thấy khi tiếp xúc với sinh viên từ Việt Nam. Ban đầu, họ khó hoà nhập vào kiểu học tập tại Mỹ, ít nói hơn sinh viên các nước. Nhưng sau một thời gian đến Mỹ, họ hoà nhập nhanh. Đối thoại là phương pháp tác dụng tốt trong giáo dục. Qua đó, bạn học được cách phát triển ý tưởng của mình, tôn trọng ý kiến của người khác, đánh giá học tập từ những ý kiến, quan điểm của người khác và tìm được điều phù hợp cho mình, điều đặc biệt, độc lập của mình. Hiện nay, công nghệ phát triển, mạng internet lan rộng, đối thoại càng cần thiết hơn trong giáo dục.

Theo ông, để “bình thường hoá mối quan hệ Việt – Mỹ” và mối quan hệ giữa con người ở hai bên chiến tuyến cũ một cách thấu đáo nhất, chúng ta cần phải làm gì?

Tôi nghĩ, cách tốt nhất để làm sâu sắc thêm mối quan hệ Việt – Mỹ là tăng cường sự trao đổi, đặc biệt là trong giới sinh viên trẻ. Người Mỹ cần được tiếp xúc với văn học nhiều hơn và sâu sắc hơn qua sự hiểu biết lịch sử và văn hoá, các hình thức tôn giáo và thế tục, nguồn gốc của tư tưởng Việt Nam và ngược lại. Giải thưởng Phan Châu Trinh dành cho tôi cũng đánh dấu sự hiểu rõ lẫn nhau của hai bên. Hơn 30 năm trước tôi là người lính tham gia chiến tranh, chứng kiến bao bạo lực, súng đạn, chết chóc; 40 năm sau đó tôi nhận giải thưởng cho việc xúc tiến sự hiểu biết lẫn nhau về văn hoá. Đó là quá trình dài xây dựng cây cầu nối hai đất nước. Phần thưởng này là sự công nhận cho việc tôi đã làm thời gian qua. Tôi nghĩ đến những người bạn đã thiệt mạng trong chiến tranh, sự ra đi của họ là động lực khiến tôi theo đuổi con đường này. Phần thưởng này dành cho những người đã ngã xuống thuộc cả hai bên.

Đã có nhiều tình bạn lớn trong đời, ông coi trọng phẩm chất nào nhất của tình bạn?

Sự tin tưởng, khoan dung, và không xét đoán là những điều quan trọng nhất.

Ngoài viết văn, làm thơ, dịch thuật, ông còn rất mê thổi sáo… Âm nhạc dân gian Việt Nam khiến ông rung động mãnh liệt? Ông làm vui cuộc sống của mình bằng cách nào?

Làm sao có thể quên được đoàn nhạc Sông Hương của Võ Quê đã diễn một đêm trên sông nước vằng vặc ánh trăng ở Huế; những lúc ngồi ở hiên nhà nghe ca khúc Trịnh Công Sơn với phần đệm guitar nhẹ nhàng, mà nhiều năm sau lại được ngồi với Nguyễn Duy trong một quán bar Sài Gòn, nghe chính Trịnh Công Sơn hát những ca khúc ấy. Hoặc trong vườn thơ ở Sông Bé với Thu Bồn, nghe hát ca kịch và giọng đọc của các nhà thơ vang vọng vào trời đêm trên những làn khói của lửa trại; ở Bắc Ninh, nhà Đỗ Chu, nghe các liền anh liền chị quan họ kể chuyện đời và cất tiếng hát… Với một hạnh ngộ lớn lao như thế, tôi chỉ còn biết cứ thật lòng nói lời cảm ơn, cảm ơn, cảm ơn…

Ba năm trước tôi bị tai nạn và phải phẫu thuật não. Lớn tuổi rồi, tôi cũng bắt đầu quên nhiều. Tôi mất một năm phải ngưng hoạt động đầu óc, không đọc sách, không viết. Hiện nay tôi phải giảm tốc độ làm việc, và phải chuyển việc viết sang vẽ… Âm nhạc, thơ ca, thiền, thời gian yên tĩnh với gia đình và đi bộ giúp tôi thư giãn nhiều.

Những ngày này, thế giới đang đứng trước bao thảm hoạ của chiến tranh, của thiên tai… Theo ông, điều gì có thể giúp mỗi con người tìm tới sự bình an nội tâm và nuôi dưỡng niềm tin?

Thảm hoạ động đất, sóng thần, sự cố nhà máy điện hạt nhân Nhật Bản đang là vấn đề gây chấn động nhất. Mối đe doạ nhiễm phóng xạ của một quốc gia đã phải chịu cơn ác mộng hạt nhân trước đây, đã đặt ra ý nghĩa sâu xa của bi kịch và chấn thương. Tại vịnh Hạ Long, tôi thấy nhiều nhóm ở Việt Nam đang quyên góp để cứu trợ những người Nhật sống sót. Đôi khi thảm hoạ giúp chúng ta gần nhau hơn khi nghĩ về nhân loại, về tình trạng chung của chúng ta và tính dễ tổn thương của chúng ta trước những quyền lực lớn hơn trong thế giới này. Tôi tin vào sự liên kết của con người trước thiên tai, những nỗ lực của con người vươn bàn tay ra để giúp đỡ lẫn nhau, chữa lành những vết thương cho nhau.

BÀI VIẾT KHÁC

Thông Tin Tư Vấn

Vui lòng điền chính xác thông tin
để được đội ngũ Du lịch Hoàn Mỹ hỗ trợ tốt nhất