Lu sành, phương tiện dùng để ướp kim chi của người Hàn Quốc xưa
Làng dân gian Hàn Quốc cửa vào ngày 3-10-1974, được coi là cái nôi văn hóa của Hàn Quốc vì rất nhiều văn hóa đặc trưng của xứ sở Kim chi đã được lưu giữ và bảo tồn để cho các thế hệ tương lai xem và tìm hiểu. Tại ngôi làng dân gian này-nơi mà phong tục truyền thống và lối sống của các thế hệ Hàn Quốc trước đây được gìn giữ một cách cẩn thận, du khách có thể cảm nhận được những cuộc sống của người dân nhiều vùng miền khác nhau trong suốt triều đại Joseon.
Nhiều nhà trong làng dân gian Hàn Quốc mái được lợp bằng rơm và vỏ cây
Bước chân vào cánh cổng dẫn vào làng dân gian Hàn Quốc, khách tham quan lập tức có cảm giác như đặt chân vào một thế giới khác. Những căn nhà cổ xưa mái ngói cong vút, ẩn hiện dưới những cây cổ thụ xanh um vừa xa xăm, huyền bí, vừa thực thực, hư hư. Những căn nhà mái tranh vách đất và chung quanh nó là những công trình phụ trợ như nhà bếp, chuồng trại nuôi gia súc gia cầm… của những nông dân nghèo. Tất cả đều gợi nhớ và giúp du khách hình dung các kiểu nhà truyền thống của các tầng lớp xã hội khác nhau như nông dân, địa chủ, Yangbang ở các vùng khác nhau dưới triều đại Joseon.
Trò chơi bập bênh trong làng dân gian Hàn Quốc
Làng dân gian Hàn Quốc rộng đến 243 hecta, là viện bảo tàng dân tộc ngoài trời duy nhất đã tái hiện lại được hình ảnh của một ngôi làng nông thôn Hàn Quốc vài trăm năm trước, với nhà ở, không gian làm việc, trường học, đền thờ tôn giáo chính xác đến từng chi tiết.
Tại đây, có đến 260 kiểu nhà truyền thống những năm cuối của triều đại Joseon. Tất cả những đặc trưng của từng vùng miền đã được sưu tập, sao chép và khôi phục nhằm giúp cho du khách có một cái nhìn đầy đủ về kiến trúc,sinh hoạt,văn hóa, lối sống, trang phục, nhà ở, thực phẩm…của người dân Hàn Quốc trong quá khứ. Tôi đã có dịp đến thăm làng văn hóa các dân tộc Trung Hoa ở Thâm Quyến. Ở đó, người ta đã dày công xây dựng mô hình những ngôi nhà, tái hiện cuộc sống, sinh hoạt của người dân tộc, giúp du khách hiểu thêm về các dân tộc Trung Hoa. Tuy vậy, tôi vẫn có cảm giác mình chưa thực sự được hòa mình vào không gian đó.
Còn ở đây, tôi có thể tiếp xúc, trò chuyện với những cư dân của làng đang sống và làm việc trong những ngôi nhà, mặc quần áo và làm việc theo phong cách cũ xưa. Ở đây, tôi cũng có thể tìm hiểu công việc đồng áng của những người nông dân, sinh hoạt của những viên chức nhà nước dưới triều đại Chosun (từ năm 1700 đến năm 1910). Ông Kim, người bạn ở Công ty KBEC nói nếu có thời gian, anh sẽ đưa tôi đi tham quan các lò rèn, các phân xưởng thủ công. Anh cho biết ở đây có khoảng 20 phân xưởng chuyên chế tác nhiều mặt hàng thủ công mỹ nghệ bằng kim loại như đồng, thau, quạt; những loại nhạc cụ hoặc hàng thủ công mỹ nghệ bằng tre, gỗ, giấy các loại và tranh thêu… Mọi thứ được làm ra một cách cẩn thận và tỉ mỉ bởi những nghệ nhân cao tuổi. Tất cả đều “người thật việc thật”. Sản phẩm họ làm ra được đưa vào các cửa hàng lưu niệm và bán cho du khách.
Một du khách “trải nghiệm” công việc của người nông dân Hàn Quốc xưa
Kim Yun A, nữ nhân viên của Công ty KBEC Korea nói, đến tham quan làng dân gian Hàn Quốc, du khách không chỉ có cơ hội tìm hiểu cặn kẽ về văn hóa truyền thống Hàn Quốc mà đây còn là nơi có thể tiếp xúc dễ dàng với các nữ diễn viên gợi cảm của xứ Hàn. Cô cho biết không ít vở kịch, bộ phim cổ trang đã được dựng tại đây và không có gì phải ngạc nhiên nếu như tôi nhìn thấy diễn viên ngôi sao Lee Young Ae có mặt tại ngôi làng này.
Lời giới thiệu của Kim Yun A khiến tôi nhớ đến bộ phim cổ trang “Nàng Dea Jang Geum”- bộ phim ăn khách nhất của điện ảnh Hàn Quốc. Hóa ra đây là nơi được đạo diễn Lee Byung Hoon chọn làm bối cảnh chính của phim, từ lúc Dae Jang Geum là cung nữ đến khi trở thành ngự y. Sau khi bộ phim kết thúc, tour du lịch mang tên Nàng Dae Jang Geum trở thành tour hút nhiều khách nhất với hàng trăm du khách mỗi ngày đến tham quan nơi mà nàng Dae Jang Geum ngồi giã gạo, học nghề y và bốc thuốc. Không ít nữ du khách khi đến đây đã nhất quyết “vào vai” nàng Dae Jang Gum để chụp một tấm ảnh ngay tại nơi có đặt chiếc cối xay để làm kỷ niệm, không quên thưởng thức những món ăn cung đình như ở trong phim.
Tham quan làng dân gian Hàn Quốc, bạn sẽ có cơ hội gặp diễn viên ngôi sao Lee Young Ae trong vai nàng Dae Jang Gum xinh đẹp
Với nông dân nghèo, số lu, khạp dùng để ướp kim chi ít hơn
Chúng tôi đi ngang một sân khấu ngoài trời, ở đó có hàng trăm người đang ngồi say sưa xem một nghệ sĩ biểu diễn những pha nhào lộn trên dây. Ông Kim nói những “sô” nhào lộn hấp dẫn này thường diễn ra hai lần một ngày và bao giờ cũng thu hút một số lượng lớn khán giả “nhí” ngồi xem. Ở đây vào những ngày đặc biệt, người ta còn tái hiện lại những lễ hội văn hóa truyền thống, các buổi biễu diễn âm nhạc và múa dân gian với với các vũ công rực rỡ trong trang phục truyền thống Hanbok. “Hanbok là loại trang phục đơn giản có 5 màu đỏ, vàng, xanh da trời, trắng, đen là những màu cung đình của Hàn Quốc. Ngày nay, Hanbok chỉ được sử dụng trong các dịp lễ hội, biểu diễn, cưới xin… mặc dù mới chỉ 20 năm về trước, nó còn là trang phục thường ngày của người dân Seoul. Ông Kim giải thích.
-“Ông cảm giác thế nào khi đi lại trên con đường này?” Kim Yun A hỏi khi chúng tôi đi trên con đường làng rợp bóng cây xanh, bên cạnh nó là một con sông hiền hòa cạn nước. Tôi nói: “Thật thú vị! Nó gợi nhớ cho tôi đến những con đường quê Việt Nam vào mùa gặt với nhiều mùi hương của rơm rạ vương vãi trên đường”.
Cuối con đường là một khu chợ. Chợ bán nhiều loại hàng thủ công mỹ nghệ và thực phẩm. Du khách qua lại không nhiều vì họ còn mãi xem các chương trình ca múa nhạc. Chúng tôi ghé vào một gian hàng ăn uống, mua mấy xâu thịt nướng, ngồi uống với rượu Sochu. Trong giây phút ấy, bỗng dưng tôi chợt nghĩ, nếu Việt Nam mình cũng có một làng dân tộc kiểu như thế này, hẳn cũng sẽ thu hút không ít du khách đến tham quan.
Du khách thưởng thức món ăn trong làng dân gian Hàn Quốc
NGUYỄN TRIỆU HẢI
Theo Yume (Du Lịch)