Nhắc tới trái mít, tôi lại nhớ về một thời tuổi thơ của mình. Cùng bạn bè kết lá thành mũ quan đội lên đầu, lấy lá mít dùng làm đĩa đựng thức ăn khi chơi đồ hàng, dùng làm tiền mua bán trao đổi hay dùng lá, cuống kết thành con trâu, con nghé có hai sừng nhọn cho em nhỏ chơi.

Ở quê tôi, hầu như nhà nào cũng trồng mít. Bởi nó không chỉ cho bóng mát, mà nó còn thể hiện sự giàu có, sung túc. Tới mùa hè lại được thưởng thức những múi mít thơm ngọt đến mê hồn. Ngày nay, trên đường phố Hà Nội tôi vẫn thấy những hàng rong đi bán mít. Đó là thứ mít dai. Sau này tôi mới biết, hóa ra có nhiều loại mít khác nhau: Nhọn gai mít dai (ráo), tẹt gai mít mật (ướt).

Ngày bé, mấy chị em rủ nhau hái “dái mít” chấm muối ớt để ăn. “Dái mít” vừa chua, vừa chát lại vừa bùi bùi, ngon ngọt rất thú vị. Nó là nụ đực của mít, trổ ra vài ngày rồi teo dần, vỏ đóng meo mốc rồi rụng, gọi là hoa mít, bông mít. Tôi còn thấy bà hái những trái mít non nấu canh mít, ăn rất lạ miệng.

than thuong trai mit_02

Mỗi loại mít có một hương vị riêng. Khi chín, mít dai thơm, ngọt đậm hơn mít mật nhưng ăn mít dai thì nóng và lâu tiêu hơn mít mật. Ăn nhiều mít, mùi thơm của nó có thể còn vương lại cả ngày không hết, nhưng nếu ăn nhiều quá có thể bị nổi nhọt. Mít là thứ quả có thể ăn được nhiều bộ phận, và chế biến được nhiều món ngon, tận dụng được cả hột mít, cùi mít và xơ mít.

than thuong trai mit_01

Hột mít cũng là một thức ăn dân dã. Hột mít rửa sạch và bỏ vào nồi nấu chín với một chút muối. Hột mít chấm đường mật hay ăn cùng với cục đường táng thì ăn không thấy chán. Có khi, có vài hột, đem hấp cơm hay đem nướng, ăn bùi bùi, thật ngon.

Mít mật thì có thể ăn luôn cả múi lẫn xơ. Nhưng xơ của mít dai thì dai và không ngọt nên có thể chế biến thành món khác ngon và để được lâu hơn.

Sau khi ăn hết múi của trái mít dai, xơ còn lại chế biến món xơ mít xào. Xơ mít xé nhỏ ra, phi xả ớt vào dầu ăn, cho xơ mít vào đảo đều, nêm gia vị vừa ăn, bày ra đĩa, rắc lá ngò lên, ăn với cơm nóng thì… hết ý. Nếu không xào thì đem phơi vài nắng, rồi bỏ vào lọ cất. Những ngày rảnh rỗi, đem ra thắng với đường mật, món ăn vừa ngọt, vừa thơm rất tuyệt.

than thuong trai mit_03

Xơ mít còn có thể chế biến món cá nục kho xơ mít. Xếp một lớp xơ mít đã cắt thành miếng mỏng nhỏ lót vào đáy nồi, xếp lên trên một lớp cá nục đã được ướp với mắm, muối, tiêu, nước màu, ớt băm. Cứ một lớp cá đến một lớp xơ mít cho đến hết cá. Trên cùng là một lớp xơ mít, rưới lên trên lớp xơ mít trên cùng này một ít dầu ăn cho béo rồi để khoảng nửa giờ cho cá thấm dầu.

Trước khi nấu, cho nước sôi vào nồi xăm xắp, rồi đun lửa to cho nước sôi lại. Khi nước sôi, hạ nhỏ lửa, đun liu riu cho đến khi nước cạn còn sền sệt, nêm lại và nhắc xuống. Cá này ăn với cơm, rất đậm đà và thơm lừng mùi mít. Nếu có thêm một ít thịt ba chỉ xắt miếng mỏng cùng sắp lớp chen với cá sẽ ngon hơn.

Mít mật ăn không hết, người ta còn làm món bánh mít. Các múi mít mật bỏ vào nước đường, bắc lên bếp, quậy cho tan các múi và nấu cho sền sệt. Xong, múc ra, dàn mỏng trên lá chuối đem phơi nắng, che phía trên bằng lớp ny lông mỏng tránh ruồi bu và bụi bặm. Người ta làm món bánh mít này khi trời có nắng to, nếu gặp trời âm u hay mưa, bánh mít đã không khô mà màu sắc không hấp dẫn. Ngoài những món kể tên, tôi còn biết người ta dùng mít làm mứt, món mít hấp, bánh bao mít.

Tôi còn được nghe bà nói, lá mít cũng là vị thuốc chữa một số bệnh như chữa tưa lưỡi ở trẻ em, chữa hen suyễn, chữa mụn nhọt lở loét, hay làm thuốc lợi sữa cho các bà mẹ mới sinh, đun nước xông hơi và tắm mỗi khi ai đó bị cảm…

Cây mít gắn bó với với mỗi người dân quê tôi như một người bạn, ở nhà, đình chùa, hay ra đồng đều có những cây mít.

Phương Lam

Theo Lao Động (Ẩm Thực) – Ngày 22/04/2011