Thế là tan hội. Cái lễ hội hoa tiêu tốn đến 17 tỉ đồng cho bốn ngày phục vụ người Hà Nội nô nức đi ngắm hoa. “Mua vui cũng được một vài trống canh”. Nhưng 17 tỉ đồng có thể nuôi sống bao nhiêu xã nghèo ngoại thành Hà Nội? Tiền ấy đủ xây bao nhiêu ngôi trường nhỏ cho con em các gia đình nông dân nghèo ở “Hà Nội 2”?
Tan hội. Ban tổ chức hoan hỉ ra mặt: năm nay, lễ hội trật tự hơn so với năm ngoái, ít cảnh tranh giành hoa hơn. Dân trí đã khá hơn. Nhiều cái bắt tay chúc tụng, lại có thành tích để sang năm tiếp tục.
Chẳng lẽ phải nhọc công dựng hẳn một lễ hội lớn như thế mới có thể nâng cao dân trí cho người dân Hà Nội ư? Thế thì chất thanh lịch người Tràng An ở đâu? Hay hương “hoa nhài” ấy đã nhạt phai rồi?
Cảnh người dân cướp các chậu hoa trong sự bất lực của lực lượng an ninh – Ảnh Hồng Vĩnh |
Ông Nguyễn Khắc Lợi, Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Hà Nội, cho biết, có khoảng trên hai triệu lượt người đến tham quan Lễ hội Hoa Hà Nội và nhìn chung thì lễ hội năm nay đã thành công. Khi được hỏi về chuyện người dân thi nhau chen lấn, xô đẩy để cướp hoa sau lễ bế mạc, ông Lợi cho rằng, khi lễ hội kết thúc thì việc quản lý hoa không thuộc ban tổ chức nữa, mà là quyền của các chủ hoa.
“Nói cho cùng, lúc ấy việc chủ hoa cho ai hay làm gì là quyền của người ta. Hầu hết số hoa đã được chuyển về công viên ngay trong đêm bế mạc, người ta thấy còn hoa nên vào xin, vào lấy. Cái này không phải ý thức. Thấy người ta vào xin được thì mình cũng vào xin”, ông Lợi nói trong một cuộc phỏng vấn trên báo Tiền phong.
Sáng 4-1-2010, bế hội. Du khách nước ngoài đi ngắm hoa không hiểu chuyện gì xảy ra trước mắt? Họ nghĩ được thưởng ngoạn một phong tục đậm nét truyền thống Việt Nam chỉ có khi kết thúc lễ hội hoa: “tục cướp hoa”! Cứ nhìn cảnh hàng trăm người dân chen lấn giẫm đạp lên nhau để cướp các chậu hoa trong sự bất lực của lực lượng an ninh, chúng tôi cũng nghĩ vậy.
Khu vực trước tượng đài Lý Thái Tổ, đám đông xông vào tranh cướp hoa. Khổ nhất là các chậu hoa tulip. Chúng trở thành miếng mồi ngon của đám người đói khát hoa. Khủng khiếp là người ta có thể nhẫn tâm giành giật nhau từng chậu hoa tulip trong lúc chậu vỡ, đất cát, hoa nát ngổn ngang trên đường.
Hoa bị giày xéo, bị chà đạp không thương tiếc. Như đám kền kền xâu xé chia mồi, đám người dữ tợn xông vào cướp giật. Và trong đám đông ấy, có cả những ông bà già! Nam thanh nữ tú thì không thiếu. Hội hoa chuyển thành cái chợ vỡ, hỗn loạn một thứ văn hóa hoang dã, ngay trước tượng thờ cụ Lý Thái Tổ.
Chia chác xong, ai nấy hả hê no nê với chiến tích. Các bạn cứ nhìn những tấm ảnh trên báo Tiền phong ngày 5-1-2010 là rõ. Báo này còn ghi được lời những khách nước ngoài lắc đầu kêu “crazy” (điên rồ) khi chứng kiến.
Nhà văn Băng Sơn – người am hiểu văn hóa Hà Nội, lý giải nguyên nhân là do tầng văn hóa của một bộ phận dân chúng thủ đô không cao, hiện nay đến 90% người dân sống ở thủ đô là người các tỉnh về làm ăn, “dân Hà Nội gốc rất ít nên khó có được nét thanh lịch của “người Tràng An” xưa. Nét hào hoa của người Hà Nội đã mất đi, thay vào đó là tình trạng chen lấn trên đường, nói bậy, say rượu, cãi nhau… nên việc phá hoa không phải quá ngạc nhiên” (VNExpress ngày 5-1-2010).
Nhà “Hà Nội học” Nguyễn Vinh Phúc, trong một lần trò chuyện cùng chúng tôi trước đây, từng nói một ý rất sâu sắc đáng để người Hà Nội phải suy ngẫm và day dứt, rằng bây giờ có rất nhiều người giàu lên trông thấy vì tự nhiên nhặt được một cục tiền, nhưng chưa thấy ai tự nhiên nhặt được văn hóa cả. Ông đúc kết: “Túi tiền lớn nhanh, trí tuệ theo không kịp”.
Không những chỉ trong lễ hội hoa, văn hóa ứng xử của một bộ phận dân chúng ngày nay là rất đáng báo động. Xếp hàng nơi công cộng thì lấn hàng, đi đường thì vượt đèn đỏ, vào rạp hát thì ăn quà vặt, chuông điện thoại di động kêu ầm ĩ mặc dù đã được nhắc nhở… Đáng lo là những cung cách hành xử thiếu văn hóa ấy đang trở nên chuyện phổ biến, chuyện thường ngày chứ không còn là chuyện cá biệt nữa.
Đến với hoa là đến với cái đẹp cao sang. Cái đẹp tỏa ra từ bên trong, kín đáo không phô trương ầm ĩ mà đủ sức lay động tâm hồn duy mỹ của con người. Nó làm cho người ta “người” hơn, bớt đi ham hố tầm thường. Người ngắm phải đủ tĩnh tại để mà diện kiến và đối thoại với hoa. Lại phải đủ văn hóa để thưởng lãm, nâng niu hoa. Yêu hoa và tôn trọng cái đẹp, nét văn hóa, tính nhân văn. |
Đi xem hoa không giống như đi xem chọi trâu, chọi gà hay hội chợ thời trang. Không thể ồn ào chen lấn. Không thể tầng lớp cảnh sát, an ninh bảo vệ như trên sân vận động trong một trận bóng đá. Càng không cần đến hàng rào sắt lạnh lẽo với còi huýt, dùi cui vung vẩy. Những khuôn mặt vô cảm hằm hằm cảnh giác để đối chọi với những khuôn mặt hau háu giành giật. Cái đẹp không cần bảo vệ bằng những thứ ấy.
Đến với hoa là đến với cái đẹp cao sang. Cái đẹp tỏa ra từ bên trong, kín đáo không phô trương ầm ĩ mà đủ sức lay động tâm hồn duy mỹ của con người. Nó làm cho người ta “người” hơn, bớt đi ham hố tầm thường. Người ngắm phải đủ tĩnh tại để mà diện kiến và đối thoại với hoa. Lại phải đủ văn hóa để thưởng lãm, nâng niu hoa. Yêu hoa và tôn trọng cái đẹp, nét văn hóa, tính nhân văn.
Ngay không gian tổ chức cũng đáng bàn. Lễ hội hoa chỉ nên làm với quy mô vừa phải, cốt sao tạo không gian thưởng thức văn hóa ấm cúng. Không sôi động cuồng nhiệt như một lễ hội nhạc rock, một lễ hội hoa cần có một không gian hoa. Dành riêng cho hoa, kiểu như người Đà Lạt đã làm tốt.
Nhìn lực lượng an ninh bở hơi tai ra sao, phải sử dụng đến “sức mạnh” như thế nào mới có thể trấn áp những người dân thiếu văn hóa là đủ biết.
Dù sao, hội đã tan. Vui buồn gì rồi cũng vào quên lãng. Ít nhất, sự kiện này cũng đạt được một mục đích, bỏ qua những hạt sạn, là mang lại niềm vui cho người dân ngày đầu năm mới. “Hội” có rồi, chỉ thiếu “lễ”. Lòng băn khoăn khi những cái đáng tiếc, đáng buồn ấy lại xảy ra trong dịp thành phố này vừa bước sang một năm trọng đại trong lịch sử ngàn năm của mình. Biết bao giờ người Hà thành được như ngày xưa, khi văn hóa Tràng An là chuẩn mực của cả nước?
Xưa, các bậc chí sĩ anh hùng hiệt kiệt đều coi hoa là phẩm tiết, nhân cách, mượn hoa để tỏ cái chí của người quân tử ở đời.
Cao Bá Quát: “Nhất sinh đê thủ bái hoa mai”. Cả một đời anh hùng không biết lụy ai, chỉ cúi đầu trước hoa mai.
Thiền sư Mãn Giác thì “Đêm qua sân trước một nhành mai”.
Hoa là biểu tượng của cả một dân tộc, là văn hóa, là kinh tế của một quốc gia. Hoa anh đào là biểu tượng của xứ Phù Tang. Đất nước Bungari được mệnh danh là xứ sở hoa hồng. Thế giới thán phục một Hà Lan của những cánh đồng tulip.
Một Thăng Long văn hiến nghìn năm không thiếu hoa đẹp. Nhưng biết đến bao giờ những cảnh vùi hoa dập liễu ngay giữa hồ Gươm, trái tim của Thủ đô thanh lịch, mới chấm dứt? Bao giờ?
Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần