Cua Vang
Cua vang giống như cua đồng nhưng nhỏ hơn (con lớn nhất cỡ đầu ngón chân cái), thân cua màu nâu tím gần giống như màu rượu vang. Có thể vì thế mà chúng được gọi là cua vang. Cua vang tuy nhỏ mà ngon (hơn cả cua đồng), chế biến được nhiều món như: cua vang luộc chấm muối tiêu chanh, cua vang nấu bún riêu, nấu cháo, rang muối…. Nhưng món ăn gây được ấn tượng nhất với du khách đến Côn Đảo là cua vang rang me.
Cách chế biến cua vang rang me khá đơn giản. Cua mua về rửa sạch, cho vào thau. Đập nước đá vào, cho cua chìm trong “giấc ngủ đông”, để khi làm không bị kẹp tay. Tách mai cua, bỏ yếm, rửa sạch, để ráo.Phi tỏi cho thơm rồi trút cua vào xào, khi cua chuyển sang màu đỏ gạch thì cho nước cốt me vào, tiếp tục xào cua với ngọn lửa nhỏ. Nêm nếm gia vị cho vừa ăn, đến khi nước me rút cạn vào cua thì tắt bếp. Xếp cua rang me vào dĩa rau răm, làm thêm dĩa muối tiêu chanh…
Thật thú vị khi ngồi bên bãi biển vào một buổi chiều nhạt nắng và gió lộng, nghe tiếng sóng vỗ rì rào, gắp một con cua vang rang me, chấm với muối tiêu chanh. Vị giòn, thơm, ngọt ngon của món ăn lạ này khiến bạn ăn rồi lại muốn ăn thêm…
Mắm hàu

Cũng như những loại mắm thông thường khác, nguyên liệu để chế biến mắm hàu chính là con hàu có sẵn trong thiên nhiên. Loại này sống rất nhiều ở bãi đá chung quanh các hòn của quần đảo Côn Lôn. Hàng ngày, chờ cho thủy triều xuống, những người làm mắm hàu chạy ghe ra các hòn để gõ hàu lấy ruột. Đồ nghề mang theo là một chiếc búa mỏ nhọn, một chiếc nhíp gắp và một chiếc ca nhựa. Người ta dùng chiếc búa mỏ nhọn này gõ vào miệng con hàu sữa nhỏ bằng ngón tay cái, sau đó lật nhẹ lớp vỏ bên trên rồi lấy nhíp gắp miếng thịt trắng bên trong cho vào ca nhựa. Có ba thao tác đơn giản như vậy, nhưng người mới vào nghề chưa quen tay thường gõ trật, còn người thâm niên hơn thì một ngày có thể gõ được 5 kg ruột hàu. Mang về nhà, ruột hàu được đãi rửa sạch sẽ và để cho ráo nước. Sau đó đảo đều với muối, ớt bột, rượu v.v… theo tỉ lệ phần trăm rồi đóng chai. Khoảng hai mươi ngày sau, chai mắm hàu đổi màu, lúc phần thịt nổi lên trên còn phần nước lắng phía dưới có màu đỏ tươi là ăn được. Tuy nhiên thời gian ủ càng lâu thì mắm càng ngấu, dậy mùi thơm nồng và ăn càng ngon. Tương tự như mắm cá linh, khi ăn phải nêm vào một ít tỏi – ớt – chanh – đường để mắm có thêm phần chua – cay – ngọt – mặn. Món ăn hợp với mắm hàu nhất là bánh tráng cuốn với thịt ba rọi – bún – rau sống… Với nhiều người dân Côn Đảo, mắm hàu còn là thứ nước chấm bình dân không thể thiếu trong bữa ăn hàng ngày, đôi khi còn là món ăn chính trong những ngày biển động. Còn với du khách, khi ra thăm đảo, lúc về đất liền thường mang theo những chai mắm hàu để làm quà cho người thân… thưởng thức.
Hạt bàng Côn Đảo

Cây bàng Côn Đảo được chú ý đặc biệt bởi nó chính là “nhân chứng sống” thầm lặng chứng kiến sự vươn lên mạnh mẽ của một vùng đất từng được mệnh danh là địa ngục trần giang trở thành nơi nghỉ dưỡng cao cấp. Có lẽ do phải đương đầu trước sóng gió đại dương nên cây bàng ở đây đều to lớn từ thân cây đến lá, trái.
Tháng này, bàng bắt đầu chín rụng. Người dân thu gom về phơi khô cho dốt vỏ, sau đó chẻ lấy nhân. Nhân hạt bàng được chế biến làm 2 loại: loại mặn và ngọt. Người dân xứ khác đến đây gọi nó là mứt hạt bàng.Nhân hạt bàng được rang chung với muối (đoán là cách thức làm cũng giống như đậu phộng rang muối) ăn vào bùi bùi, thơm thơm, béo béo lẫn chút mằn mặn của muối biển. Đến Côn Đảo đừng quên món quà đặc biệt này cho bạn bè và người thân.
Ghẹ và tôm hùm đỏ
Xứ biển nào chẳng có ghẹ. Bạn cũng đừng vì lý do đó mà từ chối thưởng thức ghẹ nơi khác. Vì đặc điểm địa lý mỗi vùng khác nhau sẽ tạo nên “thực phẩm” cho ghẹ xơi cũng khác nhau vì thế mà mùi vị của ghẹ Côn Đảo khác ghẹ Cà Mau, Phú Quốc. Điều thú vị là buổi sáng, bạn cứ tản bộ ra cầu tàu 914 lịch sử. Trong lúc chờ mặt trời đội biển đi lên soi sáng cho muôn loài, bạn sẽ bắt gặp cảnh các tàu đánh cá cặp cảng. Có nhiều loài thủy sản tươi sống còn nhảy tanh tách chở nặng dưới khoang thuyền chờ bạn mua về thưởng thức. Giá không quá đắt, lại rất ngon.
Mắm Nhum
Mắm nhum không phổ biến như các loại mắm khác. Đó không phải là loại thức ăn nhà nào cũng có, hoặc chí ít, có bán đây đó ở chợ. Thế nên nhiều lúc, có tiền cũng không thể mua được mắm nhum… Những ai đã từng được thưởng thức món mắm nhum thì sẽ còn nhắc đến hoài, không chỉ như một món ngon, mà còn như một “kỳ tích”, chứng tỏ mình là một người may mắn và từng trải.
Ốc vú nàng
Ốc vú nàng đều thơm ngon khi được luộc, nướng hoặc làm món trộn, làm gỏi. Món ốc vú nàng luộc được coi là món thông dụng nhất vì dễ làm. Với món này, ốc sau khi được rửa sạch, xếp vào nồi có ít nước hoặc chẳng cần cho nước rồi đặt lên bếp luộc chín. Theo người sành ăn, luộc ốc vú nàng không cần cho một chút nước nào bởi bản thân ốc vú nàng đã có khá nhiều nước. Trong khi luộc, đôi khi phải mở nồi, dùng đũa đảo ốc để cho thịt chín đều, sau đó vớt ra để nguội. Sau khi luộc chín, dùng mũi dao nhỏ nạy nhẹ lấy được thịt ốc ra khỏi vỏ, rửa sạch ốc rồi tưới thêm một lần nước sôi. Thịt ốc vú nàng từ màu trắng ngà chuyển sang màu vàng.
Món này chỉ cần chấm với muối, hạt tiêu và chanh, ăn giòn giòn, ngọt ngọt. Điều độc đáo của ốc vú nàng luộc là không quá béo như thịt, không quá dai như sò, ngao, không nhỏ như hàu. Nếu được thưởng thức những con ốc vú nàng mới ngậm sữa thì sẽ cảm nhận vị thơm ngậy, không lẫn với bất cứ món ăn đặc sản nào. Nước ốc cũng hấp dẫn vì vừa mặn lại vừa ngọt đậm.
Làm món ốc trộn cũng hết sức đơn giản, thịt ốc được thái mỏng theo chiều dọc sau khi đã luộc chín rồi trộn đều với chanh, ớt. Thịt ốc vú nàng khi ấy sẽ săn giòn và thơm. Theo dân “ghiền” đặc sản biển, món ốc vú nàng ngon nhất vẫn là ốc vú nàng chín khi được nướng trên lò thanh đước.
Món gỏi ốc có hương vị đậm đà của thịt ốc thái mỏng trộn với da lợn, thịt ba chỉ thái nhỏ, dưa chuột, rau răm, rau húng cũng thái nhỏ, lạc rang giã dập nhỏ, chanh tươi, ớt và nước mắm. Món gỏi ốc này ăn với bánh đa nướng, chấm với nước mắm gừng chắc chắn khiến người thưởng thức khó quên. Cũng phải nói rằng, các món chế biến từ ốc vú nàng ngon còn là nhờ vị thơm nổi tiếng của nước mắm ở Côn Đảo.