Có những chú gà nòi da săn đỏ, vạm vỡ, oai dũng, sống chiến đấu hết mình, chết hiến nhiều món ngon

2303tiecgachienbinhVà những người có công lăng-xê các món ngon từ gà nòi là…dân nhậu miệt vườn. Bởi họ biết việc tuyển chọn, chăm sóc gà đá rất công phu. Nhờ vậy thịt gà luôn săn chắc, bổ dưỡng.

Nuôi gà nòi thịt

Công bằng mà nói, thịt gà nòi có sức quyến rũ riêng, ăn hoài không ngán. Có dịp ghé lại những sới gà miệt vườn Nam bộ, bạn sẽ bắt gặp một số người chuyên thu mua những chú gà nòi vừa tử thương hoặc thua chạy, giá khoảng 80.000 – 100.000 đồng/kg. “Xác” số gà xấu số này sẽ đến những quán lẩu gà nòi gần đó hoặc lên xe đường dài về TP.HCM cũng để hầu khách sành ăn. Như vậy, có không ít người khoái ăn thịt gà nòi.

Thế nhưng theo một số thương lái gà nòi ở Bến Tre và Tiền Giang, lượng gà nòi bại trận cũng có hạn nên không đủ cung ứng cho thị trường thịt gà nòi đang nóng hổi. Vậy là nhà vườn nghĩ ra cách nhân giống đàn gà nòi thêm nhiều hơn. Sau sáu tháng nuôi thả, “thầy gà” sẽ xem vẩy chân, thần sắc thật kỹ từng chú gà trống để tuyển lại những chú “tinh nhuệ” nhằm chăm sóc, huấn luyện chu đáo hơn. Thường trong một đàn gà khoảng 10 con, họ chỉ tuyển được vài ba con. Số còn lại nhà vườn cũng mang tỉa lông đùi và ức, tắm rượu, cho ăn lúa chắc… để da vẻ thêm hồng hào, lực lưỡng. Khi chúng đạt trọng lượng khoảng 2,3 – 3kg/con, thì nhà vườn sẽ bán cho những tiểu thương thu mua gà nòi thịt bán cho quán.

Mặc dù vậy, lượng gà trống nòi vẫn không đủ cung. Thế là người ta tận dụng cả những con gà mái nòi, nặng không dưới 2kg/con, để độn vào nồi lẩu gà nòi. Tuy nhiên một số đấng mày râu vẫn thích xơi thịt gà trống nòi hơn, bởi da nó săn giòn, thịt nhiều, sớ to và có khi “ngon ngậm ngùi” hơn. Và điểm khác biệt căn bản giữa gà mái nòi và trống nòi là đầu, mào của gà mái nòi nhỏ, cánh cũng nhỏ lại trắng ngần, thon thả, ít thương tích hay chai sần như gà nòi trống vốn hiếu chiến.

Ngon… oằn đũa

Một chú gà “chiến binh” nặng gần 3 ký, có thể “đãi” 3 – 4 món khá hoành tráng, cho 4 -6 người ăn no lắc lư. Nếu bận rộn, xin mời bạn thả hồn vào bữa tiệc gà nòi ở quê, dưới bóng mấy cây xoài trĩu quả, gió riu riu thổi.Nhanh gọn mà chất lượng là món lòng gà xào mướp hương, gia vị vừa ăn, rắc thêm ít tiêu giã và điểm xuyết vài cọng ngò rí, ít lát ớt sừng trâu lên trên. Món này mất khoảng mười phút, thợ bếp khéo tay sẽ canh mướp vừa mềm là nhắc xuống ngay, nếu để quá lửa mướp sẽ không giòn, mất ngon. Khi đó chất ngọt từ mướp hòa vào những miếng gan, mề được xắt vừa gắp, tỏa mùi thơm thanh thoát. Ngược lại, vị béo từ gan gà cũng rón rén ẩn vào thịt mướp, giúp hương vị mướp thêm quyến rũ. Món này, bạn có thể chấm nước tương ngon giầm ớt hiểm hay muối tiêu chanh đều ngon “nhức răng”.

Ngoài ra còn phải kể đến món ức gà xắt mỏng, ướp gia vị vừa ăn xào với mớ lá cách hay nhàu non hoặc chanh, bưởi non. Riêng lá chanh, thì miền Bắc hương vị luôn đậm đà hơn trong Nam. Nói chung đám lá này có vị hăng hăng, nhân nhẫn giúp khử tanh triệt để miếng thịt gà vốn cao đạm và kích thích tuyến nước bọt luân chuyển mạnh mẽ hơn.

Món thứ ba mới ngon tận đỉnh: gà nòi hầm sả. Chỉ tội cho đầu bếp thực hiện món này phải tháo mồ hôi hột. Đầu tiên họ phải thui sơ thịt gà nòi tươi để những chân lông gà cháy hẳn, da hơi cháy xém. Nước hầm gà có người dùng nước dừa xiêm vừa hái trên cây xuống, có nơi dùng nước hầm xương heo. Song quan trọng hơn là phải có chất “lưu dẫn” để vị nước lẩu ngọt đậm, hậu beo béo, đó là ít đậu xanh mập giã “ba sồn”. Và tất nhiên, phải có mớ củ sả tươi, đập hơi giập lót đáy nồi.

Gắp miếng thịt gà vừa mềm, tỏa khói, được tẩm bổ bởi đậu xanh, nghe thơm rạo rực, nhai chậm khách sẽ cảm nhận bao tầng xúc cảm: chút sần sật của da, chút ngọt béo của thịt gà lẫn đậu…

(nguồn: Thanhnienonline)