42 tuổi, tốt nghiệp tiến sĩ năm 2002 tại Nhật Bản, đạt học hàm Phó giáo sư năm 2009 và hiện là Phó viện trưởng Viện Sinh học Tây Nguyên (TP Đà Lạt, Lâm Đồng), Dương Tấn Nhựt đã có những đóng góp quan trọng khi nghiên cứu về các giống hoa đặc hữu của Đà Lạt. Nay, anh lại là người nhân giống vô tính thành công cây sâm Ngọc Linh.

Kỳ tích với hoa

PGS-TS Dương Tấn Nhựt được nhiều người biết đến khi tên tuổi của anh gắn liền với những nghiên cứu về nhiều loài hoa ở Đà Lạt như hàng chục loài hoa lily, hoa lan, hoa salem… “Cái đẹp lãng mạn ở thành phố hoa đã hớp hồn tôi tự lúc nào, và tôi nghĩ mình phải đóng góp gì đó cho thành phố tuyệt đẹp này” – anh tâm sự. Để làm “một sự khởi đầu ngoạn mục”, anh quyết định chọn loài hoa lily.

Với loài hoa này, anh đã công bố 15 công trình khoa học quốc tế trong suốt cả chục năm trời. Từ những công trình này mà nhiều nhà khoa học trong nước và quốc tế dần biết đến cái tên Dương Tấn Nhựt; đặc biệt Ban biên tập tạp chí khoa học Tế bào thực vật (Plant cell reports) uy tín của Mỹ còn chọn anh để “cho ý kiến đánh giá” những công trình liên quan đến loại hoa này.

Sau thành công đầu tiên, anh tiếp tục bứt phá với loài lan hài Việt Nam. Hai công trình “Nhân giống vô tính lan hài (Paphiopedilum delenatii) bằng phương pháp gây vết thương kết hợp với nuôi cấy lỏng” và “Nghiên cứu kéo dài thân cây lan hài trong hệ thống chiếu sáng đơn sắc” đã đưa tên tuổi anh tỏa sáng. Đây là giống lan có nguồn gốc từ Việt Nam, nhưng đã được đặt tên gắn với nhà thực vật học người Pháp Delenatii. Từ những năm đầu thế kỷ trước, những quân nhân Pháp đã mang từ Việt Nam về một giống hoa mà người Việt gọi là lan hài đỏ (đây là tên thông dụng của loài lan này từ năm 1998 trở về trước).

Điều đáng nói là loài lan này tưởng như đã tuyệt chủng vì không tìm thấy ở đâu trên thế giới trong vài chục năm. Thế nhưng, người đam mê lan Việt Nam lại phát hiện giữa vùng rừng núi giáp ranh giữa Lâm Đồng và Ninh Thuận có giống lan này. “Hiện nay theo thống kê, Lâm Đồng là tỉnh đứng đầu trong cả nước về các loài lan, chiếm khoảng 80%. Tổ chức CITES (Tổ chức Bảo vệ động – thực vật hoang dã thế giới) đưa các loài lan hài đặc hữu của Việt Nam vào Sách đỏ nhằm giữ gìn nguồn gien thiên nhiên quý hiếm”, PGS-TS Nhựt cho biết.

Với những thành công nhất định, anh nhận được nhiều lời mời làm việc tại các nước như Nhật, Mỹ, Anh…, nhưng cuối cùng anh đã chọn về Việt Nam công tác với đồng lương ít ỏi. “Động lực nào khiến anh miệt mài trong phòng thí nghiệm để làm nên những kỳ tích?” – tôi hỏi. Anh tâm sự: “Trong quá trình nghiên cứu khoa học, tôi thấy rất ít công trình nghiên cứu thuộc về những nhà khoa học Việt Nam, hoặc có cũng chỉ là cái tên Việt, nhưng kèm theo sau là một phòng thí nghiệm ở nước ngoài xa xôi nào đó.

Từ đó tôi nghĩ mình phải làm sao, để sau cái tên của mình là địa chỉ và quan trọng nhất là chữ Việt Nam”. Vì theo anh, nói đến công trình nào, cái tên nhà khoa học có thể người ta quên, nhưng tên quốc gia thì không thể quên được. Và quả thực, qua nhiều năm nghiên cứu, anh đã biến ước mơ ấy thành sự thật. Hiện nay anh đã có hơn 100 bài báo, chương sách và sách viết bằng tiếng Anh công bố quốc tế và cũng khoảng chừng ấy công trình nghiên cứu bằng tiếng Việt (có tóm tắt bằng tiếng Anh)…

Nhân giống sâm Ngọc Linh

Trong căn phòng nghiên cứu chật chội cỡ hơn 10m2 và lịch làm việc thường đến 2 giờ sáng, hiện nay anh miệt mài với đề tài “Hệ thống nuôi cấy lớp mỏng tế bào trong nghiên cứu các chương trình biệt hóa và bảo tồn sâm Ngọc Linh”. Đây là loại dược phẩm quý có nguy cơ cạn kiệt vì bị khai thác quá mức. Khi củ sâm Ngọc Linh “sốt” ngoài thị trường, có khi giá đội lên đến gần 72 triệu đồng/kg, thì cũng là lúc UBND tỉnh Kon Tum và Quảng Nam (2 tỉnh có sâm Ngọc Linh) chú ý đến việc nhân giống.

p14

Phôi vô tính của cây sâm Ngọc Linh

Tuy nhiên việc nhân giống sâm Ngọc Linh ngoài tự nhiên rất hạn chế do mỗi năm chỉ có khoảng 100.000 hạt giống. Số hạt giống này nảy mầm khá ít trong khi nhu cầu về số lượng củ sâm thương phẩm ngày càng lớn. Với ưu điểm không phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên, sản xuất số lượng lớn cây giống đồng nhất về hình thái và có thể sản xuất cây giống quanh năm nên phương pháp nhân giống vô tính cây sâm thông qua kỹ thuật nuôi cấy mô được xem là giải pháp tối ưu cho việc bảo tồn sâm Ngọc Linh cũng như tiến tới sản xuất sâm Ngọc Linh thương phẩm với quy mô lớn.

p15

Rễ của sâm Ngọc Linh

Nhận thấy tầm quan trọng của đề tài này, PGS-TS Nhựt quan tâm nghiên cứu nhân giống vô tính cây sâm Ngọc Linh in vitro ngay từ năm 2003. Anh cho biết công trình nghiên cứu về loại sâm Ngọc Linh sắp tới sẽ được công bố trên các tạp chí quốc tế và hiện nay đã có nhiều tổ chức cũng như quỹ khoa học trong nước quan tâm giúp đỡ để anh có thể hoàn thành công trình.

Với công trình này, trước mắt anh sẽ tạo ra 700 cây sâm Ngọc Linh và 1 kg rễ. “Lúc đầu, tôi cũng khá e dè, vì từ trước đến nay chưa có cây sâm nào nhân giống vô tính khi đưa ra môi trường tự nhiên mà sống sót”, PGS-TS Nhựt nói. Trước đó, có vài người nghiên cứu nhưng kết quả chỉ nằm trong phòng thí nghiệm. Năm 2006-2008, anh đã tạo được cây giống sâm Ngọc Linh thông qua kỹ thuật phát sinh phôi vô tính; các cây sâm giống này đã được trồng thử nghiệm tại Viện Sinh học Tây Nguyên và núi Ngọc Linh (Kon Tum); đồng thời thông qua kỹ thuật này có thể tạo được củ trực tiếp mà các kỹ thuật nhân giống vô tính khác không thể thực hiện được. Đến nay anh đã có thể thở phào với những thành công ban đầu vì một số cây mô được trồng tính đến nay hơn một năm tuổi vẫn sinh trưởng và phát triển tốt.

p16

Củ sâm Ngọc Linh – Ảnh: Lê Hân

“Tôi hy vọng và chắc chắn những nghiên cứu về cây sâm Ngọc Linh sẽ được công bố quốc tế. Thông qua những kết quả nghiên cứu sẽ tiến tới bảo tồn được giống sâm quý hiếm này nhằm xây dựng thương hiệu sâm Việt Nam”, anh bày tỏ mong ước. Anh cho biết tín hiệu vui là hiện nay Viện Dược liệu (thuộc Bộ Y tế) đã làm chương trình xây dựng “thương hiệu sâm Việt Nam”. Hiện nay, Quỹ Khoa học và công nghệ quốc gia cũng đã hỗ trợ cho anh một đề tài nghiên cứu cơ bản với đầu ra sản phẩm là 2 bài báo trên tạp chí quốc tế xếp hạng ISI (chuẩn quốc tế) với tên đề tài: “Hệ thống nuôi cấy lớp mỏng tế bào trong nghiên cứu chương trình phát sinh hình thái và bảo tồn cây sâm Ngọc Linh”.

p17

PGS-TS Dương Tấn Nhựt trong phòng thí nghiệm nhân giống sâm Ngọc Linh – Ảnh: Lê Hân

PGS-TS Dương Tấn Nhựt đã chủ biên và tham gia viết 12 cuốn sách chuyên khảo quốc tế và trong nước, viết 29 chương sách trên các sách chuyên khảo quốc tế; đã tham gia phản biện và đọc bài cho hơn 10 tạp chí quốc tế chuyên ngành. Từ năm 1998 – 2005, anh là người có nhiều công trình khoa học đạt “Nghiên cứu ấn tượng” của Mỹ. Năm 2004, anh được xác lập kỷ lục về người Việt Nam đầu tiên nhân giống vô tính cây lan hài đặc hữu và được trường ĐH Kagawa (Nhật Bản) đưa vào danh sách những người có ảnh hưởng đến lịch sử 100 năm của nhà trường. Năm 2006, anh được Trung tâm Tiểu sử quốc tế đưa vào danh sách 2.000 nhà khoa học xuất sắc của thế kỷ 21.

Các công trình khoa học của anh đã được ứng dụng nhiều nơi trên thế giới như kỹ thuật nuôi cấy lớp mỏng tế bào, hệ thống vi thủy canh, hệ thống thủy canh in vitro, kỹ thuật gây vết thương trên cây lan hài, kỹ thuật kéo dài thân qua nuôi cấy dưới ánh sáng đơn sắc…

Lê Hân ( Theo Thanh Nien )