Con đường đất vào ấp Nước Trong xã Thuỷ Đông, huyện Thạnh Hoá, tỉnh Long An những ngày này không chìm trong nước như mùa lũ nhưng đầy bụi mù. Cứ cách vài trăm mét, một chiếc cầu cây lại cheo leo vắt qua dòng kênh. Dọc hai bên đường, những ruộng đất phèn đầy cỏ năng và cây lác… Dù vậy, ở nơi thiên nhiên khắc nghiệt này, có những thầy cô giáo vẫn tình nguyện ở lại mang chữ về cho trẻ em vùng sâu.
Mang chữ về Đồng Tháp Mười
Chúng tôi tìm đến điểm Nước Trong thuộc trường tiểu học Thuỷ Đông B để tìm thầy Cao Văn Hiểu thì thầy đã đi điểm trường Rau Má. Ở đây là vậy, do kênh rạch chằng chịt, để các em có điều kiện tới lớp, mỗi cơ sở trường thường có vài ba điểm lẻ dựng tận những ấp xa nhất, cách trở vài con kênh. Và mỗi tuần, các thầy cô giáo phải thay phiên nhau đi dạy ở điểm lẻ.
Mới nghe cái tên điểm trường thôi đã có thể hình dung sự khốn khó của một vùng đất. Vậy mà hai mươi năm qua, thầy Hiểu đã tình nguyện ở lại, trở thành công dân Đồng Tháp Mười để dạy chữ cho những học trò nghèo khó.
Thời ấy, cũng như bao sinh viên sư phạm mới ra trường, thầy Hiểu được phân công về vùng sâu công tác. Ngày quảy balô rời thị xã, chàng thanh niên ấy cũng hẹn gia đình sẽ trở về sau năm năm làm tròn trách nhiệm. “Hồi đó vùng này làm gì có điện. Bốn bề toàn là tràm, mỗi lần đi dạy phải cắt rừng tràm mà đi. Nước ngọt cũng không. Toàn lóng nước phèn để xài. Tối tối, mấy con gì cứ kêu om, nghe rầu não ruột…”, câu chuyện trở về như mới hôm qua.
Trong ký ức người thầy giáo vẫn còn in đậm hình ảnh: “Học trò vùng này một buổi đi học, một buổi đi nhổ cỏ, cắt bàng. Nhiều lúc gian khổ, học trò đến trường lại ít, nản lắm. Nhưng nhìn mấy đứa vô lớp mà quần áo đầy bùn đất, thấy tội nghiệp nên bỏ về hổng đành!”. Hết hạn năm năm, thầy ở lại thêm năm năm nữa. Và miết tới bây giờ…
Thầy Cao Văn Hiểu.
Thầy không nhớ đã bơi xuồng đến bao nhiêu gia đình để vận động trẻ em đi học, không nhớ hết bao học trò đã lớn lên, thành đạt và rời xa vùng đất nghèo khó này. Hai mươi năm qua, thầy Hiểu vẫn lặng lẽ với những trang giáo án cùng những bài học vỡ lòng. Mãi tới ba năm gần đây, chứng bệnh tim bẩm sinh trở nặng, cộng thêm bệnh thoái hoá cột sống đã không cho phép thầy tiếp tục đứng trên bục giảng.
Sau nhiều lần thầy Hiểu ngất xỉu trên lớp, ban giám hiệu đã phân công thầy phụ trách thư viện. Nghe có vẻ nhẹ nhàng, nhưng làm công tác thư viện ở miền quê mà giáo viên phải đi năn nỉ học trò tới trường cũng không đơn giản chút nào. Để học trò chịu đọc sách, thầy phải chịu khó nghĩ ra nhiều cách. Ngày ngày, thay vì đứng trên bục giảng, thầy Hiểu phải đẩy những xe sách; đối với những điểm trường lẻ ở vùng sâu, người thầy này phải quảy từng túi sách đến tận sân trường cho học trò…
Giá để cứu một trái tim: 70 triệu đồng
“Bác sĩ có chỉ định mổ tim, nhưng chi phí tới 70 triệu đồng. Cả đời đi dạy, tôi chưa từng cầm số tiền lớn như vậy”, giọng thầy run run, khàn đặc. Những làn gió chuẩn bị cho một cơn mưa lớn thổi xồng xộc qua tấm vách tre của ngôi nhà cũ nát. Trong nhà không gì đáng giá ngoài tấm huy chương Vì sự nghiệp giáo dục treo trên vách. Những năm tháng gắn bó với vùng đất khó, vợ chồng thầy đã dành dụm mua được mấy công đất phèn cằn cỗi. Khi thầy bệnh nặng, nó cũng bị bán đi để lo thang thuốc. Sức khoẻ thầy Hiểu ngày càng cạn dần, vợ thầy – người đàn bà ít chữ vốn chỉ quen việc đồng áng trở thành trụ cột gia đình.
Họ có hai đứa con trai, đứa lớn 19 tuổi cày thuê cuốc mướn phụ lo tiền thuốc. Đứa con nhỏ đang học lớp mười cũng theo mẹ đi làm cỏ, róc vỏ tràm thuê vào những ngày không đến lớp. Nhưng cái vùng này làm nông cũng theo thời vụ nên ngày có việc ngày không. Thu nhập ít ỏi của mấy mẹ con cũng chỉ đủ trả lãi hàng tháng cho khoản nợ vay “nóng” 40 triệu đồng. Đến gạo nấu hàng ngày, nhà thầy Hiểu còn phải mua “gối đầu”…
Khi tôi đang viết những dòng này thì thầy Cao Văn Hiểu lại nhập viện. Bác sĩ Nguyễn Trung Hiếu – khoa nội tim mạch bệnh viện đa khoa Long An cho biết: “Nhiều lần, khoa đã có chỉ định chuyển bệnh nhân này lên tuyến trên để phẫu thuật tim, nhưng gia cảnh quá khó khăn. Bệnh thầy ngày càng diễn biến nặng. Nếu không phẫu thuật kịp thời có thể nguy hiểm đến tính mạng”. Dẫu biết là vậy nhưng có những thứ nằm ngoài tầm tay. Chợt nhớ câu nói chân chất của người thầy giáo, đắng chát như dòng nước phèn mùa khô: “Biết thời gian của mình không còn bao lâu nữa, cũng sợ lắm, nhưng làm sao bây giờ!”