Showroom thời trang Kujeans của Chương nằm trên con đường nhỏ yên tĩnh của quận 1, TP.HCM. Bước qua cánh cổng màu xanh là một khu vườn bé xíu xinh xắn, có những khóm me đất mọc đầy. Khách đến đây có thể nhẩn nha đàm đạo với chủ nhân, trò chuyện về cuộc sống. Thời trang chỉ là một phần trong toàn bộ những gì mà chàng trai khuyết tật ấy tìm thấy khi bước ra khỏi ngôi làng nhỏ, viễn du tìm kiếm chính mình.
Nhà thiết kế thời trang Đặng Thiên Chương – Ảnh: Hoàng Tường
Với những chiếc áo dài bằng chất liệu thun, cotton, vừa thoải mái vừa tiện dụng cho cuộc sống hàng ngày, anh dường như phá vỡ những quan niệm cũ?
Ý tưởng đến với tôi từ nhu cầu của những cô gái trẻ Sài Gòn làm việc trong môi trường năng động, giao tiếp với quốc tế. Họ rất muốn làm hài lòng mẹ mình khi mặc áo dài, nhưng không gian sống và làm việc của họ thì hoàn toàn khác thế hệ trước, đòi hỏi chiếc áo dài phải thời trang hơn, mới mẻ hơn, phù hợp với những sự kiện quốc tế, phù hợp với nhiều sắc tộc. Tôi không bao giờ dùng chữ “cách tân”, “phá cách”, bởi như thế sẽ làm tổn thương một vẻ đẹp đã được lưu giữ nhiều đời. Tôi giữ nguyên kiểu dáng truyền thống của áo dài thập niên 1960, chỉ tìm hiểu sâu hơn về những lo lắng của người phụ nữ hôm nay, cách họ di chuyển, vận động, cách họ xuất hiện giữa các môi trường khác nhau… để tìm ra giải pháp tối ưu. Áo dài của tôi giống y chang áo dài bà ngoại tôi ngày xưa. Cách tân chỉ nằm ở sự tiện lợi, cộng thêm những hoạ tiết thêu tay, cách nhuộm bằng trà để cho sợi vải mềm ra, khi mặc sẽ rất mềm mại, như có gì đó âu yếm. Tôi quan niệm áo dài đẹp là phải được mặc nhiều lần, phải có sự trải nghiệm cùng những di chuyển của người phụ nữ. Khí hậu Việt Nam nóng ẩm, dùng cotton, thun hai lớp rất thoáng, cử động thoải mái, lại mặc được cả hai mặt… Tôi rất vui là sau một thời gian sử dụng, nhiều phụ nữ đã tìm đến tôi nhờ tư vấn để đổi sang mặc áo dài khi đến công sở. Đối với người phụ nữ thành đạt, tà áo dài rất quan trọng trong việc xây dựng hình ảnh với nhân viên, đối tác.
Không chỉ dừng lại ở thời trang, anh còn kinh doanh trà, càphê… Dường như trong anh tố chất kinh doanh được hình thành từ rất sớm?
“Phi vụ” đầu tiên là lúc tôi học lớp 3. Tích cóp tiền để dành của mình và em gái, tôi ra hợp tác xã mua rẻ một gói kẹo lớn về bán lại cho trẻ hàng xóm. Phi vụ này đã bị người lớn dập tắt, nhưng từ đó, tôi chưa bao giờ sợ chết đói, vì biết nếu có thể ra đường bán thuốc lá, mình cũng sẽ bán được thật nhiều, bởi đơn giản là mình thích kinh doanh, không sợ đối mặt với được mất, dù trong kinh doanh, sống sót được là vô cùng gian khó.
Vì sao đến giờ này, khi kinh doanh phát triển tốt, anh vẫn duy trì ngôi trường nhỏ của mình ở Bảo Lộc, để dạy tiếng Anh cho các bé thơ?
Vì đó là quê hương tôi. Tôi không được học đại học, nhưng tiếng Anh đã giúp tôi bước ra khỏi ngôi làng của mình, và tôi muốn giúp các bé có một công cụ đầu tiên để bước ra thế giới. Tôi nghĩ ngôn ngữ là công cụ quan trọng nhất để giúp các em mở rộng không gian, hiểu thấu đáo hơn những nền văn hoá khác. Ở đây các em được phát biểu ý kiến, và giáo viên phải lắng nghe bất cứ câu hỏi nào của trẻ. Cách dạy linh động qua những trò chơi khiến có những hôm mưa gió các em vẫn bắt cha mẹ chở đến trường. Ngôi trường này đã giúp tôi cân bằng bản thân. Tôi cũng thường ra Hội An giúp cho lớp huấn luyện người khuyết tật về cách pha trà và càphê. Tôi muốn mang lại cho các bạn sự hiểu biết, để có thể vượt lên mọi mặc cảm, tự chủ với công việc, tự sống bằng thế mạnh bản thân. Đó chính là cách để tạo nên giá trị của riêng mình.
Ám ảnh lớn nhất của tuổi thơ với anh là gì?
Cơn sốt bại liệt năm bốn tuổi đã khiến tôi không đi được. May mắn tôi có một gia đình rất nhiều yêu thương. Ba mẹ luôn cố gắng lo chạy chữa giúp tôi hồi phục. Nỗi sợ lớn nhất với tôi là không đi xa được khỏi ngôi làng của mình. Tôi nhớ mãi khi ba mua cho anh em tôi một trái banh da, đó là trái banh đầu tiên của làng, anh tôi đã vác tôi trên vai chạy thẳng ra sân bóng. Khi chia phe, chẳng bên nào muốn nhận tôi. Anh tôi nói: “Em tao phải được chơi, vì trái banh này là của tao”. Sau đó, tôi bắt đầu nghĩ, tại sao mình phải chơi môn đó? Tôi biết anh bảo vệ tôi vì yêu thương, nhưng tôi không muốn bước vào một sân chơi mà sự yếu thế của mình được bảo bọc bởi người khác. Cho đến một ngày, tôi hiểu nếu mình không thể đi bộ, thì đã có xe, có máy bay. Phương tiện chỉ là một phần, miễn là mình có tiền, quan trọng là thay đổi cách nghĩ. Mình cần phải tự tạo sức mạnh cho mình. Sức mạnh tinh thần sẽ giúp mình giải quyết nhiều thứ mà cơ thể khiếm khuyết.
Điều gì từ giáo dục gia đình giúp anh hình thành giá trị sống của riêng mình?
Thời niên thiếu, gia đình tôi rất khó khăn, nhưng ba mẹ vẫn còn giữ được những bộ đồ ăn của ngày xưa. Tôi luôn uống càphê trong một cái ly đẹp, và biết dùng dao nĩa từ rất sớm… Ngay từ nhỏ, tôi luôn cố gắng làm mọi cách để cuộc sống xung quanh thoải mái và tử tế hơn. Tôi lớn lên ở làng Tân Hà, cách thị trấn Bảo Lộc bốn cây số. Làng tôi hầu hết là dân theo đạo công giáo từ Hà Đông di cư vào Nam, mọi phong tục tập quán, kể cả ngôn ngữ còn giữ nguyên như thời ngoài Bắc. Tôi chịu ảnh hưởng lớn nhất từ bà ngoại, xưa bán trầu cau ở chợ Đồng Xuân. Nghèo khó nhưng bà lúc nào cũng tươm tất, nền nã. Ra đường, bao giờ bà cũng mặc áo dài. Vì túng thiếu, bà phải bán đi sợi dây chuyền bằng vàng thật mà bà rất quý, nhưng đã mua sợi dây bằng vàng giả để đeo trong những dịp cưới xin, lễ lạt. Khi ấy, tôi rất dị ứng, cho là bà không sống thật. Nhưng bây giờ khi đã trải nghiệm nhiều, tôi mới hiểu vàng giả hay vàng thật đâu quan trọng, bà đeo chỉ để cho đẹp, vậy thôi. Nhìn bà, nhìn mẹ, tôi thấy được sự chịu đựng, hy sinh, luôn muốn làm đẹp lòng người khác. Chính sự chịu đựng ấy thôi thúc tôi làm thời trang, để làm sao phục vụ được người phụ nữ, chia sẻ nhiều nhất với những khó khăn của họ trong cuộc sống hàng ngày.
Một mẫu áo dài của Đặng Chương: không “cách tân”, “phá cách”, để khỏi tổn thương một vẻ đẹp đã được lưu giữ nhiều đời. Ảnh: Phan Quang
Từ ngôi làng nhỏ của mình, anh tự kiếm tiền để du học thời trang ở Pháp. Chuyến đi đã mang lại cho anh điều gì?
Tôi là người thích di chuyển, không sống ở đâu quá lâu. Tôi thích du lịch bụi, một mình lang thang đến những vùng đất mới, tìm hiểu nơi chốn, con người từng địa phương, quan sát tỉ mỉ cách để họ có thể sống hạnh phúc. Điều đó mang lại cho tôi sự giàu có, mới mẻ, tâm hồn cũng phong phú hơn. Nó giúp tôi biết trân trọng từng giây phút của hiện tại.
Khởi nghiệp với nghề gia sư dạy tiếng Anh, nhưng tôi lại rất yêu tiếng Pháp, thích nghe người Pháp trò chuyện. Thời gian ở Pháp đã giúp tôi rất nhiều cho công việc hiện tại. Người Pháp đa số không giàu, nhưng họ biết tận hưởng cuộc sống ở mức tối đa. Họ có thể chỉ có một chiếc măngtô đắt tiền, nhưng mỗi mùa đông lấy ra mặc là rất hạnh phúc, bởi họ biết tận hưởng cái gì trong khả năng mình, ngay tại thời điểm đó. Từ ngôi làng nhỏ đi qua một đất nước văn minh, rất nhiều khác biệt lớn, nhưng trong văn hoá sống về bản chất, tôi lại thấy có những tương đồng, đó là cách làm sao để hạnh phúc.
Rất nhiều bạn trẻ đã tìm tới anh tại cửa hàng và cả trên Facebook để nhờ tư vấn về những khó khăn trong cuộc sống. Không phải là chuyên gia tâm lý, làm thế nào anh có thể vượt qua nỗi đau của chính mình, để có thể chia sẻ và làm dịu nỗi đau cho người khác?
Vì tôi là một người biết lắng nghe. Khi bạn thực sự đi qua những nỗi đau, sẽ biết người khác đau như thế nào, và có thể chia sẻ với họ nỗi đau ấy. Phải sống tốt và phải hạnh phúc trước đã, nếu không, làm sao giúp người khác tìm hạnh phúc. Tôi chưa bao giờ ngược đãi bản thân, và luôn trân trọng tất cả những gì cuộc đời mang lại cho mình, kể cả nỗi đau, để tận hưởng hết vẻ đẹp của nó. Viết, chia sẻ với người khác giúp tôi sống trọn vẹn mỗi ngày. Có lần một câu chuyện của mình trên Facebook vừa đưa lên, lập tức nhận được tin nhắn của một cô gái Anh đang đi trên xe buýt, nói rằng bạn ấy rất đồng cảm, tự dưng thấy vui lạ lùng. Tôi có rất nhiều những người bạn vong niên như thế, dù chưa gặp nhau một lần.
Theo anh, vì sao lớp trẻ hiện nay rất dễ đổ vỡ khi vấp phải những bất trắc?
Người trẻ, đặc biệt ở Sài Gòn, không có không gian riêng, nhiều người hơn 18 tuổi vẫn sống với cha mẹ. Cha mẹ luôn nghĩ đó là tổ ấm, nhưng tổ ấm nào cũng tiềm tàng những áp lực. Cha mẹ có thể vào phòng riêng của con cái bất cứ lúc nào, đời sống của đứa trẻ không còn riêng tư nữa, bị làm phiền rất nhiều thứ. Vậy người trẻ xây dựng cá tính ở đâu? Trên quần áo, điện thoại xịn, xe xịn. Khi có một mối tình, nơi hẹn hò của họ chỉ là những quán càphê xô bồ. Nếu quan hệ ấy đi xa hơn, lại là một khách sạn rẻ tiền… Vậy đời sống tinh thần của họ được xây dựng từ cái gì? Kỷ niệm của họ được lưu giữ bởi cái gì? Tất cả không tạo cho họ một đời sống tinh thần lành mạnh, nên khi đổ vỡ, họ không thể quay về cái giường êm ấm của mình, vì không muốn tạo gánh nặng cho cha mẹ. Không có không gian sống riêng, họ bị trôi đi bất cứ không gian nào đưa đẩy… Sống phụ thuộc cha mẹ, rất nhiều người trẻ không thích nấu ăn, không thấu hiểu, tận hưởng cuộc sống một mình. Không biết cái thú nghe nhạc một mình… Không gian sống của người trẻ thành phố vô cùng nghèo nàn, chỉ chạy theo đám đông.
Vậy anh muốn tạo một không gian sống như thế nào cho riêng mình và cho nơi chốn kinh doanh?
Sự thoải mái, phù hợp và tiết kiệm là tiêu chí quan trọng nhất trong cuộc sống và kinh doanh. Tôi thích dùng đồ tái chế, tận dụng nguyên liệu cũ, nguyên liệu dư thừa, kể cả trong thời trang. Từ tấm danh thiếp, nếu thay đổi địa chỉ, tôi không quăng đi, mà gạch địa chỉ cũ và in thêm địa chỉ mới. Đây là xu hướng rất triệt để của tôi, nhiều khi làm hơi quá, để cố tình kêu gọi mọi người có ý thức sử dụng vật liệu. Đó là xu hướng sống xanh, sống với sự tôn trọng vật liệu, môi trường. Điều đó không có nhiều ở những người trẻ, nếu có ở người già chỉ là ý thức tiết kiệm, chứ chưa phải là vì tôn trọng môi trường.
Quan niệm sống nào giúp anh tìm được sự thanh thản?
Biết chấp nhận mình và chấp nhận người khác một cách thành thật nhất. Không thể tôn trọng người khác nếu không biết tôn trọng mình. Trong kinh doanh thời trang, tôi học cách chấp nhận cơ thể mình đầu tiên. Dù là hoa hậu, người mẫu thời trang, ai cũng có khiếm khuyết. Khi một người thấy an nhiên với vẻ ngoài của mình là lúc họ đẹp nhất. Thời trang chỉ là một phần của phong cách sống. Một người không thể đẹp nếu không làm chủ cuộc sống của mình. Rất nhiều người giàu mới nổi mà đời sống tinh thần không tương thích với những gì họ đeo trên người, tạo ra những trào lưu xài hàng hiệu một cách xa xỉ, tốn kém. Những gì phù hợp với nền tảng cá nhân, phù hợp suy nghĩ, mong ước của mình mới tạo ra sự hài hoà, thu phục được cảm tình của người khác.