1. Thời gian nghỉ giữa các chặng bay
Những tấm vé rẻ thường đi kèm với nhiều chặng dừng và thời gian nghỉ kéo dài. Đúng là có nhiều người không chịu nổi khi phải ngồi trên máy bay liên tục mười mấy tiếng đồng hồ, nhưng phải vật vờ ở một sân bay xa lạ cũng không phải là một cảm giác dễ chịu gì. Ấy là chưa kể đến trường hợp chuyến bay chuyển tiếp bị trì hoãn, hoặc bạn phải thuê khách sạn để nghỉ lại vào ban đêm.
Tùy theo lộ trình bay, một vé bay thẳng có thể chỉ đắt hơn không đáng là bao, nhưng sẽ tiết kiệm cho bạn tới nửa ngày ở địa điểm muốn đến. Ngoài ra, khả năng bạn bị thất lạc hành lý cũng sẽ giảm đi rất nhiều. Thời gian là vàng bạc – nếu như bạn thực sự coi trọng thời gian được ở bên gia đình hay bạn bè, bỏ ra một vài trăm ngàn, thậm chí vài triệu đồng cũng chẳng đáng kể gì.
2. Vị trí sân bay
Một cách để mua được vé máy bay rẻ là chấp nhận đi tới những sân bay nhỏ, xa trung tâm thành phố, ít hành khách lựa chọn. Thế nhưng, nếu như bạn phải bắt taxi hay xe bus để di chuyển, số tiền bạn tiết kiệm được còn lại chẳng đáng là bao. Hơn nữa, bạn còn mất rất nhiều thời gian và công sức cho việc đi lại.
3. Nhiều loại phụ phí khác
Với nhiều hang hàng không lớn, toàn bộ chi phí cho chuyến bay chỉ được biết sau khi bạn đã lựa chọn loại vé cho mình, bởi sau đó bạn sẽ phải cộng thêm tiền thuế và nhiều loại phí dịch vụ khác.
Thêm nữa, rất có thể bạn sẽ phải trả thêm cả tiền cho hành lý kí gửi. Ví dụ, British Airways sẽ thu phí nếu như bạn trả tiền vé bằng thẻ tín dụng. Tệ hơn cả là, trong một số trường hợp, bạn sẽ không biết đến những khoản phụ trội này cho tới sau khi đã nhập vào thông tin thẻ tín dụng. Đến lúc ấy, có lẽ tấm vé rẻ của bạn sẽ không còn “rẻ” hơn các loại vé thông thường là bao.
4. Lịch trình không cố định
Những hãng hàng không giá rẻ thường chỉ có số lượng máy bay nhất định, trong khi đó nhu cầu bay của khách hàng lại rất lớn. Để tối đa hóa lợi nhuận, họ thường sắp xếp rất nhiều chuyến bay vào cùng trong một ngày, và như thế, khả năng lịch trình bay bị chồng chéo, lỗi hệ thống dẫn tới giờ bay bị trì hoãn là rất cao.
Liệu bạn có dám chấp nhận mạo hiểm không có chuyến bay nào thay thế hoặc bị lỡ chuyến chuyển tiếp ở chặng sau hay không?
5. Chính sách hoàn lại tiền
Đa số các hãng hàng không giá rẻ sẽ không hoàn lại tiền nếu như chuyến bay của hành khách bị hủy, có thay đổi trong hành trình bay hoặc khi khách bị lỡ chuyến chuyển tiếp. Những điều khoản này được in với cỡ chữ nhỏ ở cuối tờ vé.
6. Bảo hiểm
Nhiều hãng hàng không giá rẻ, chẳng hạn như JetBlue, thường “khuyến khích” khách hàng mua bảo hiểm đề phòng trường hợp khẩn cấp với mức giá tương đối phải chăng. Tuy nhiên, sự thực là số tiền ấy không đáng để bạn phải bỏ ra. Trong những tình huống xấu nhất, bạn có thể được bồi thường, nhưng số tiền này cũng chẳng “thấm tháp” gì nếu như giả sử bạn bị mất toàn bộ hành lý với nhiều vật dụng quý giá.
7. Thay đổi thông tin khách hàng
Rất có thể vì bất cẩn mà bạn khai nhầm tên, chọn nhầm thời gian khởi hành hoặc điểm đến. Những thông tin này bạn hoàn toàn có thể sửa chữa miễn phí với những hãng hàng không lớn. Ngược lại, khi mua vé giá rẻ, bạn phải bỏ ra trên dưới 100 USD cho mỗi lần chỉnh sửa.
Theo Đàn ông – ngày 13/08/2012