Xin PGS.TS.BS Võ Văn Thành cho biết tình hình tổng quan của căn bệnh cột sống?

PGS.TS.BS Võ Văn Thành: Bệnh lý về cột sống chia làm hai loại: chấn thương và chỉnh hình. Riêng ở bệnh viện chấn thương chỉnh hình TP.HCM mỗi năm có hàng ngàn ca chấn thương đến điều trị. Phần lớn chấn thương là công nhân ngã từ trên cao do điều kiện bảo hộ thấp, các cháu đi bơi chúi đầu nhảy xuống hồ nước, chạy xe gắn máy, phóng nhanh, say xỉn. Rồi do chất lượng đường sá kém, ổ gà, ổ voi… Cá biệt hơn là đi mát-xa bị dẫm lên lưng, thực hiện động tác trồng chuối khi tập yoga… Ở các cháu nhỏ là do dị tật bẩm sinh như vẹo cột sống. Những người trung niên và cao niên thì do cột sống thoái hóa, loãng xương, thoát vị đĩa đệm, lồi đĩa đệm, gai cột sống…

ca phe du lich, suc khoe, du lich hoan my, dulichhoanmy
Đông đảo bạn đọc trực tiếp đến tham dự buổi Tư vấn sức khoẻ: “Những mối nguy thường gặp ở cột sống” cùng PGS.TS.BS Võ Văn Thành, chủ tịch hội Cột sống TP.HCM, chuyên viên tham vấn ban giám đốc bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM; và nghệ sĩ ưu tú Thành Lộc. Ảnh: Hồng Thái

Nghệ sĩ Thành Lộc: Với thực tế của bản thân tôi, diễn viên là một nghề vất vả, vận động như các VĐV thể thao, phải thực hiện các kỹ năng nhảy múa, leo trèo để hoàn thành vai diễn. Bản thân tôi cũng 2 lần bị cột sống. Ở đâu chúng ta cũng đứng trước nguy cơ rủi ro. Nghề diễn viên lại càng nhiều rủi ro.

PGS.TS.BS Võ Văn Thành: Cột sống con người làm nhiệm vụ đỡ, để con người đứng trên hai chân. Cột sống con người có 3 chức năng chính: cột trụ vững chắc đỡ cơ thể, chuỗi khớp dài di động để cơ thể có thể vận động nhiều chiều trong không gian, ống bảo vệ tủy sống và các dây thần kinh đi ra khắp cơ thể để điều khiển các hoạt động.

Cột sống cổ là linh hoạt nhất. Ở loài vật đi 4 chân, trọng lượng đều lên cột sống. Riêng con người thì lực dôn vào đoạn cuối thắt lưng, do ta đi bằng hai chân.

Khi cột sống mất vững, chúng ta không đứng, ngồi, sinh hoạt bình thường được. Chấn thương ở vùng cổ có thể làm liệt tứ chi, ở thắt lưng sẽ làm liệt hạ chi.

Hiện nay, nhiều người uống bia rượu nhiều, bụng to, cơ bụng thắt lưng không được tập thường xuyên, yếu và nhão cũng góp phần ảnh hưởng đến cột sống.

Bạn đọc: Xin hỏi anh Thành Lộc, cách đây khoảng 10 năm, anh mắc căn bệnh cột sống, làm sao anh phát hiện ra?

NSƯT Thành Lộc: Tôi đi khám sức khỏe định kỳ mới biết. Hồi trẻ mình coi thường, ỷ y sức khỏe của mình. Lớn tuổi hơn một chút, tôi cảm thấy bất ổn. Một cô bạn khuyên đi khám sức khoẻ, thế là tôi đi.

Khi khám thì biết thượng đế “ưu ái” cho mình đến 7 gai xương sống ở vùng cột sống thắt lưng và cổ, bì chèn dây thần kinh đám rối, một gai sau cổ chọc vào dây thanh đới như… gai hoa hồng. Cái gai này khiến mình hay nổi giận vô cớ vì những chuyện không đáng! Khi mình diễn, mình hét to, mình có thể vỡ dây thanh đới, xuất huyết, máu tràn phổi có thể chết trên sân khấu. Sáng sớm ngủ dậy, mình thường mỏi, dọc cánh tay tê râm ran.

PGS.TS.BS Võ Văn Thành: Khi anh Lộc mô tả, tôi nghĩ anh có triệu chứng giống một người trên 50, hoặc phụ nữ tiền mãn kinh. Anh Lộc bị bệnh cột sống ở độ tuổi 40 là hơi sớm, có lẽ do lao đọng nghệ thuật nhiều.

Khi đĩa sống bị áp lực nhiều, xương sống bồi lên một lớp giống như là gai. Gai có 3 loại: gai căng do cột sống làm việc nhiều; gai nén: khi đốt sống làm việc nhiều, tấm đệm cột sống mọc gai; và loại 3 là gai nối.

Gai cột sống không phải là bệnh lý mà chỉ là một phần của vấn đề thoái hóa cột sống.

Cách thức sinh hoạt hàng ngày không đúng thì xuất hiện gai cuộc sống. Từ tuổi 40 trở đi mới bị. Nếu gai cột sống xuất hiện trước tuổi 40 là do làm việc nặng nhiều hồi trẻ.

Một bạn đọc: Gai cột sống có ảnh hưởng đến công việc của anh?

NSƯT Thành Lộc: Tôi rất bình tĩnh khi gặp bệnh. Tôi không bao giờ hốt hoảng khi gặp những điều bất trắc nào đó. Tôi nghĩ thần kinh vững, tinh thần phấn chấn chính là một sự đề kháng tốt chơ cơ thể.

Khi trị bệnh thì cường độ làm việc cuả tôi không giảm. Tuy nhiên có tiết chế lại, thay vì hét 10 thì tôi tìm ra cách diễn để chỉ… hét 7 thôi.

PGS.TS.BS Võ Văn Thành: Gai cột sống không là bệnh, mà là triệu chứng, xuất hiện để đáp lại những chèn ép lên cột sống, do dó chúng ta nên bình tĩnh điều trị, đừng để bị hù dọa là phải cắt gọt gai đó!

Gai cột sống gây nguy hiểm khi mọc đằng sau đốt sống cổ, chèn ép tủy sống ở đốt sống cổ; gai mọc ở vùng thắt lưng chèn ép các rễ thần kinh; gai sống mọc sau vùng ngực ít khi có.

Khi có bệnh thì nên tham vấn, đi khám bác sĩ cẩn thận để chọn cách điều trị. Không lý do gì để vội vàng mổ.

ca phe du lich, suc khoe, du lich hoan my, dulichhoanmy
PGS.TS.BS Võ Văn Thành (giữa), NSƯT Thành Lộc (phải) cùng tham gia tư vấn sức khoẻ “Những mối nguy thường gặp ở cột sống” tại trường quay báo Sài Gòn Tiếp Thị. Ảnh: Hồng Thái

Tôi 45 tuổi, gần đây hay bị đau lưng nên tôi đi khám bệnh, bác sĩ kết luận tôi bị thoái hóa cột sống. Xin cho biết chữa bệnh này thế nào và có khỏi hoàn toàn được không? Có cách nào để phòng bệnh này? (Võ Thuận Khải, 45 tuổi, wertt@….com)

PGS.TS.BS Võ Văn Thành: Trong sinh hoạt thì phải giữ tư thế tốt khi nằm, ngồi, đi đứng, vận động. Không vác đồ có trọng lượng nặng quá mức, tập luyện thể thao đều nhưng đừng tập nặng. Sau 40 tuổi, mất nước trong đĩa sống ngày càng tăng, chất nhầy càng giảm nên dẫn đến thoái hóa đĩa đệm.

Khi gai gây cơn đau do chèn ép cổ, tủy sống mới phẫu thuật để giải thoát sự chèn ép này.

NSƯT Thành Lộc: Lần thứ hai tôi bị chấn thương ở vở “Cậu bé rừng xanh”, tai nạn ngay ngày suất diễn đầu tiên, tôi bị rơi ở độ cao 3m, toàn bộ phần lưng tiếp xúc với đất, không gãy mà bị lún. Hai tháng nằm yên trên giường, ăn nhiều chất canxi, uống thuốc để các tế bào tái tạo. Sau đó là 1 tháng mặc áo nẹp khung thép để đi lại…

Tôi bị chấn thương do tai nạn cách đây 10 năm. Bác sĩ nói thoát vị đĩa đệm, phải mổ, tôi sợ liệt nên không mổ, chỉ uống thuốc. Thỉnh thoảng có tê, nhưng không teo cơ. Xin hỏi, sau thời gian lâu như vạy có ảnh hưởng gì không. (Một bạn đọc tại trường quay)

PGS.TS.BS Võ Văn Thành: Sau 10 năm mà không bị teo cơ, không bị nặng thêm nghĩa là hồi phục tiến triển tốt, nên tiếp tục điều trị bảo tồn.

Tôi bị bệnh cột sống tháng 4.2010, đau cột sống thắt lưng, khám và điều trị nhiều. Phác đồ điều trị mỗi nơi khác nhau. Phác đồ điều trị có chung cho các bệnh nhân không, hay là phải thay đổi cho từng người? Người ta nói, bị vùng thắt lưng này thì hạn chế đi lại, ngồi, nên nằm nhiều. Riêng tôi thì ngược lại, nằm không cảm thấy thoải mái, vì sao? (Một bạn đọc)

PGS.TS.BS Võ Văn Thành: Phác đồ điều trị tùy theo bệnh lý của từng cá nhân, cũng có thể tùy theo quan điểm của mỗi bác sĩ. Nhưng theo tôi biết thì quan điểm của các bác sĩ không lệch nhau nhiều. Nên nằm trong vài ngày đầu, sau này phải vận động, tập phục hồi. Tập các cơ bụng, cơ lưng sẽ giúp cột sống tốt hơn.

ca phe du lich, suc khoe, du lich hoan my, dulichhoanmy
Theo PGS.TS.BS Võ Văn Thành (giữa), gai cột sống không phải là bệnh lý mà chỉ là một phần của vấn đề thoái hóa cột sống. Ảnh: Hồng Thái

Nghe nói chấn thương cột sống chiếm 30% những tổn thương về cột sống. Vậy chấn thương cột sống có mức độ nguy hiểm thế nào? (một bạn đọc)

PGS.TS.BS Võ Văn Thành: Đây là loại chấn thương nặng. Nếu ở vùng cổ thì dễ bị tử vong hoặc liệt tứ chi. Chấn thương cột sống ở vùng ngực chỉ chiếm 1/5. Chấn thương ở vùng thắt lưng có thể gây biến chứng liệt hạ chi. Chấn thương cột sống xảy ra ở độ tuổi 20-40 là nhiều nhất, tức ở độ tuổi lao động.

Tôi 63 tuổi, bị trượt đốt cột sống thắt lưng được 1 năm, đau vùng mông, chụp MRI thoát vị đĩa đệm. Vẫn uống thuốc và tập thường xuyên. 2 tháng nay rất đau chân, không thể tập nữa, đến bệnh viện cho thuốc, uống thì không đau, khi hết thuốc là đau. Xin hỏi BS điều trị thế nào? (một bạn đọc)

PGS.TS.BS Võ Văn Thành: Bệnh của chị đã đến giai đoạn nặng, chị phải coi lại, không đơn giản là thoát vị đĩa đệm. Nặng quá mức thì phải mổ. Nên đến khám và tham vấn ở chỗ chúng tôi, bệnh viện chấn thương chỉnh hình.

Xin hỏi nghệ sĩ Thành Lộc, khi điều trị, anh có gặp khó khăn gì?

NSƯT Thành Lộc: Khi điều trị, tôi tuân thủ nghiêm ngặt những gì bác sĩ nói. Lúc tôi điều trị, có một ca sĩ xuất viện sớm hơn tôi nhưng anh không nghe bác sĩ phải nghỉ ngơi nhiều hơn mà vội đi diễn trở lại. Kết quả bệnh anh bị tái phát và nặng hơn lần đầu. Vì thế, kinh nghiệm của tôi là tuyệt đối tuân thủ các chỉ dẫn của bác sĩ.

Buổi trưa nên nằm nghỉ ít nhất 15 phút để cho xương sống nghỉ ngơi. Thỉnh thoảng tôi tập chạy bộ, đi bơi. Trong công việc, những việc nặng, nhào lộn thì bớt đi…

Thưa bác sĩ, hiện trên thị trường có máy uốn nắn cột sống cùa Hàn Quốc, nghe nói có hiệu quả trong 3 tháng khi điều trị bằng máy này, hết hẳn bệnh về cột sống… Máy này có tác dụng thật không? (Một bạn đọc)

PGS.TS.BS Võ Văn Thành: Vật lý trị liệu là cách để phục hồi chức năng của các bộ phận cơ thể. Có nhiều máy dùng cơ và dùng nhiệt. Tôi thì không tin máy này chữa hết bệnh. Nên cẩn thận trước khi dùng máy, có nhiều người dùng máy bị đau hơn.

Tôi có con trai hơn 2 tuổi bị vẹo cột sống bẩm sinh. Phẫu thuật thì có bị ảnh hưởng đến chân tay không?

PGS.TS.BS Võ Văn Thành: Điều trị vẹo bẩm sinh rất khó. Trẻ càng nhỏ càng nguy hiểm, nguy cơ bị liệt và tử vong cao hơn. Nên đưa cháu đi bác sĩ chuyên khoa sâu để khám và quyết định mổ hay không, bao giờ mổ.

ca phe du lich, suc khoe, du lich hoan my, dulichhoanmy
Những tư vấn trực tiếp của PGS.TS.BS Võ Văn Thành cũng như chia sẻ của NSƯT Thành Lộc về kinh nghiệm chăm sóc sức khoẻ của một người từng mắc bệnh cột sống thu hút sự quan tâm của bạn đọc. Ảnh: Hồng Thái

Xin anh Thành Lộc cho biết một vài kinh nghiệm giữ sức khỏe của anh? (Một bạn đọc)

NSƯT Thành Lộc: Những điều bác sĩ nói cũng như mẹ tôi khuyên như chế độ ăn uống, tôi đều tuân thủ. Có điều, tôi là nghệ sĩ nên cảm tính rất nhiều và sinh hoạt không giống người khác. Nhưng bù lại, tính cách của tôi rất lạc quan, nó giúp tôi khỏe mạnh. Mỗi lần nằm viện, tôi đều xuất viện sớm hơn bác sĩ trù liệu. Khi tôi nằm viện, tôi không nghĩ đó là tai ương mà chỉ là thử thách. Tôi nghĩ khi mình sống lạc quan thì khả năng tái tạo các tế bào sống của mình càng nhanh.

Theo SGTT – Ngày 07/07/2011