Là kiến trúc sư, tác giả có điều kiện đi qua hàng loạt thành phố nổi tiếng trên thế giới, từ Á sang Âu và cả Mỹ. Trên những hành trình lang thang đó, không chỉ có những cảm xúc ngồn ngộn khi đối diện với dấu tích của những nền văn minh mà tác giả, qua góc nhìn của một người làm nghề, đã có những suy ngẫm, gợi mở thú vị.

  • Nơi hội tụ chất xám cao nhất thế giới!

du lịch hoa kỳ, du lich hoa ky, du lich my, du lịch mỹ, du lịch hoàn mỹ, du lich hoan my

Capitol – ngôi nhà số một nước Mỹ. Ảnh: N.N.D.

 

Từ Colorado, một phi trường hiện đại ở thành phố Denver, tôi bay đến Washington theo lời mời của Mẫn, một người bạn thân từ thời còn học ở trường Nguyễn Tri Phương,  Huế. Mẫn qua đây đã lâu, học ngành cơ khí chế tạo máy nhưng lại làm ở cục sở hữu trí tuệ Mỹ. Mẫn đón tôi về ở chung trong một căn hộ nhỏ, gần trung tâm thành phố, bang Virginia. Đó là một thành phố hành chính và quyền lực.

 

Với 350.000 người làm việc cho chính phủ liên bang và rất nhiều nhân viên cao cấp của các công ty quốc gia, Washington có lẽ là nơi tụ hội “chất xám” cao nhất của thế giới. Mỗi năm, Washington thu hút 10 triệu khách tham quan, ngoại giao, họp hành với hàng loạt hội nghị quốc tế về đủ các vấn đề toàn cầu. Quy hoạch một thành phố, nơi đặt trung tâm quyền lực của nước Mỹ quả là một thách thức đầy hứng khởi đối với các kiến trúc sư thời ấy. Lấy tòa nhà Quốc hội tượng trưng cho ngôi nhà số một làm trung tâm, họ phóng ra 4 con đường Đông, Tây, Nam, Bắc chia thành phố làm 4 khu: Tây Bắc, Đông Bắc, Tây Nam, Đông Nam. Cách nhà Quốc hội khoảng 2,5km về phía Tây Bắc là Nhà Trắng, nơi làm việc của các đời Tổng thống Mỹ sau thời Washington.

 

Ngôi nhà số một của nước Mỹ được xây dựng trên đồi Capitol, có tầm nhìn bao quát thành phố. Ở đại sảnh là chân dung Washington, hai bên là tượng nữ thần tự do và nữ thần chiến thắng, trần mái vòm được trang trí những tranh ảnh thời phục hưng của Italia, nơi đây cứ 4 năm một lần tân Tống thống Mỹ sẽ đến làm lễ nhậm chức. Chúng tôi nói đùa Tổng thống Mỹ tuyên thệ giữa hai bức tượng nữ thần khiến dân Mỹ hầu hết đều sợ vợ. Ngồi ở bậc cấp của tòa nhà nhìn ra là hồ nước với tháp bút ở xa xa, hai bên là rừng cây, một cảnh quan thoáng đãng đẹp lạ lùng khi hoàng hôn bắt đầu buông xuống. Du khách, người dân Mỹ, già trẻ lớn bé, tụ tập bên hồ, nằm dài, đàn hát, tình tự, đọc sách trong khuôn viên tòa nhà như có gì đó rất thân thuộc đối với họ chứ không phải là một cơ quan quyền lực đáng sợ. Đúng là một tòa nhà của dân, cho dân và vì dân, nơi những người đại diện dân làm việc và là nơi người dân có thể ra vào đưa ý kiến, yêu cầu, thỉnh nguyện. Không rào giậu, kín cổng cao tường.

  • Những nghịch lý lạ lùng

Có một nghịch lý lạ lùng. Thành phố quyền lực, giàu có, đẹp như trong tranh này lại được dành cho những “nạn nhân của quy hoạch”. Một thành phố được quy hoạch với quá nhiều tiện nghi, quá nhiều thiết bị lại đang làm dân Mỹ trở nên lười vận động. Theo thống kê có đến 2/3 dân Mỹ có thể trọng vượt yêu cầu! Không biết tương lai rồi sẽ ra sao? Một nước Mỹ hiện đại với tự động hóa, vi tính hóa như thế sẽ khiến con người phát điên trong nỗi cô đơn của mình hay giúp người ta gần gũi với nhau hơn?

 

Đô thị kỹ thuật cao là nhân bản hơn? Xem ra sự hoàn hảo chưa hẳn đã là hạnh phúc và chân lý ấy đang thực sự làm nước Mỹ lo âu. Thật trớ trêu, người Mỹ đã hùng hục thâu tóm giá trị kiến trúc của thế giới để bồi đắp cho những tòa nhà chọc trời, họ đổ mồ hôi, sôi nước mắt để xây dựng chúùng thành một bộ mặt quyền lực mới của mình. Nhưng với thời gian họ lại cảm thấy ngột ngạt, phiền toái vì bảo trì, vì an ninh, vì ách tắc. Mọi thứ đều có mặt trái. Thái cực nào đạt đến đỉnh điểm cũng phải thoái trào. Và giờ đây Washington lại đang đòi hỏi chính phủ thêm phương tiện công cộng, họ muốn được đi bộ, đi bộ và đi bộ… để vận động và giảm cân.

Thành phố của cây xanh, hồ nước, của điêu khắc, kiến trúc, hội họa, của âm nhạc và văn chương? Sự bình lặng của tạo hóa hay sự thanh bình của hiện đại, một cuộc sống như trong mơ của con người thế kỷ 21? Nhìn bên ngoài thì Washington đúng là như vậy!

Một buổi chiều, ăn vội tô mì gói, Mẫn rủ tôi đi thăm ông chú, người mà tôi đã từng gặp và sống ở nhà ông vài ngày thời sinh viên khi còn ở Huế. Gia đình ông thuộc tầng lớp trí thức đã qua Mỹ được 10 năm. Mười năm ấy, với ông, là những năm tháng tối tăm mặt mày, cày cục làm hai, ba ca để nuôi bốn đứa con ăn học. Vợ ông mất sớm vì không hòa nhập được với cái xứ sở đầy sự hãnh tiến này. Từ ngày vợ mất ông ở vậy, vừa làm bố, vừa làm mẹ, vừa lo gia sư, vú em cho từng ấy đứa lần lượt ăn học và ra trường, đi làm khắp nước Mỹ.

 

Giờ đây, ông thui thủi, hiu quạnh một mình trong một viện dưỡng lão dành cho người già. Ông chú của Mẫn chỉ mong được về sống ở Việt Nam những ngày cuối đời… Tâm lý quay về đó là ước nguyện chung của nhiều người Việt lớn tuổi mà tôi đã gặp ở Mỹ. Họ nhớ về quê hương! Họ hỏi tôi hàng giờ về khu phố, ngõ hẻm với những cô bán hàng rong mộng mị, con đường Duy Tân (Phạm Ngọc Thạch), Hồ Con Rùa, đường Đồng Khởi… với những quán cóc bên lề một thời là điểm hẹn của một thời quá khứ.

 

Đêm cuối cùng từ giã Washington, chúng tôi tụ họp tại nhà Mẫn, nướng khô mực giữa khu vườn ngoại ô cùng lai rai với “Minh Mạng thang” mang theo, không khí ấm cúng và yên tĩnh. Đêm Washington gió lạnh thoang thoảng, cả bọn im lặng, trầm tư mặc tưởng, mỗi đứa cứ đuổi theo những suy nghĩ riêng tư. Xa xa những bóng đèn xe chợt thoáng chợt hiện. Đã bao lần mỗi khi chia tay với một thành phố của một đất nước nào đó, tôi vẫn luôn cảm thấy có một nỗi buồn xa cách len lỏi vào tim mình, cứ không khỏi xao xuyến mai này sẽ không còn dịp quay lại nữa. Nhưng lần này, rời Washington, rời nước Mỹ, tôi ngạc nhiên khi thấy lòng mình không chút bâng khuâng, lưu luyến. Nước Mỹ với tôi quá xa cách từ sự hãnh tiến, giàu có, quyền lực của nó cho đến cuộc sống của những con người khi tôi cảm nhận sự cô đơn của bạn bè, những người Việt lớn tuổi… Lạc lõng và buồn, đó là tâm trạng của tôi đêm cuối ở Washington sau một tháng lang thang trên đất Mỹ…  

KTS Nguyễn Ngọc Dũng