Lễ hội ngành nghề, lễ hội danh nhân, lễ hội tín ngưỡng… Tính ra trong một năm, ở Việt Nam có trên 800 lễ hội. Mỗi năm số lễ hội có xu hướng tăng lên cùng với festival. Không chỉ tỉnh thành tổ chức, mà quận huyện làng xã cũng sẵn sàng cho lễ hội, cho liên hoan. Các Cty du lịch tư nhân cũng có những festival riêng của họ. Cùng một thời gian cùng một địa phương diễn ra tới vài ba lễ hội, festival… đến nỗi khách không biết chọn đi nơi nào.
Nhưng có đến một vài festival hay lễ hội đã được quảng cáo rầm rộ, mới thấy không ít nơi đầu voi đuôi chuột, thiếu nghiêm chỉnh, khả năng tổ chức kém cỏi. Tất cả đều giống nhau ở chỗ ý tưởng nghèo nàn, đơn điệu, tẻ nhạt và vô cùng lãng phí.
Ở một tỉnh miền Trung, căng ra cái biển Festival Biển nghe hấp dẫn lắm, nhưng khi khách đến, khách sạn không còn chỗ đành mỗi đoàn, mỗi người tùy nghi di tản. Kết thúc festival là kết thúc một tour ngắm người. Bởi vì mọi nỗ lực chỉ tập trung vào ngày khai mạc, có thuyền, ca nô lướt biển, có dù đỏ dù xanh lửng lơ trên bầu trời và trên bờ, hàng trăm người ngó nghiêng… thế là hết. Những ngày sau đó, không dù bay, không lướt biển, chỉ có mấy tốp người ngơ ngẩn nhìn nhau. Còn chăng là rác rưởi, phế thải, là bán rong, xe ôm đeo bám.
Nhiều festival mang tiếng là “Quốc tế”, nhưng các đoàn đến tham dự, kẻ trước người sau, rời rạc, đôi khi ngỡ như các chương trình chả liên quan gì đến festival. Năm 2007 festival mang tên “Biển gọi”, tại một tỉnh miền Trung, tổ chức loạc choạc đến nỗi chương trình không đầu không đuôi. Đoàn Nhật Bản tham gia Vũ hội đường phố trình diễn đêm hôm trước. Còn đoàn Thái Lan đến thì lễ khai mạc festival đã tàn. Một lễ hội lớn, dường như không có kịch bản, thiếu bàn tay Tổng đạo diễn, nhạt nhòa, rời rạc, không trọng tâm. Thật sự thiếu tính chuyên nghiệp. Liệu bỏ kinh phí cho những festival như vậy có nên không?
Theo một giám đốc Cty tư nhân phát biểu: Festival đổ tiền tỉ, nhưng lợi ích cho du lịch thì không nhiều. Đây không phải là hướng đi thích hợp với Việt Nam. Mà trên thế giới cũng không đâu chi chít, xô bồ festival như ở nước mình. Một chuyên gia người Pháp rất có kinh nghiệm trong lĩnh vực tiếp thị mách bảo: Việt Nam còn nghèo, nên tránh xa những lễ hôi to tát, quy mô. Tốn kém mà không mấy hiệu quả. Tốt nhất, nên khai thác điểm riêng, đặc trưng Việt Nam như ẩm thực chẳng hạn. Mỗi địa phương có riêng đặc sản hấp dẫn của mình… tiến đến, Việt Nam có thể tạo dựng một “Bếp ăn thế giới” đầy hứa hẹn. Thu hút được du khách, ấn tượng mà không mấy tốn kém.
Du lịch là hoạt động kinh doanh. Những thắng cảnh, di tích, lễ hội, làng nghề… là di sản, tài nguyên của đất nước. Không nên núp bóng “truyền bá văn hóa” đơn thuần, sử dụng ngân sách nhà nước vào những lễ hội, festival xô bồ, lãng phí, không tính đến hiệu quả kinh tế.
Nguyên Phước – Theo PL & XH
Ngày 06/09/2011