Du học Anh – Hơn một năm sau khi rời khỏi , ký ức về những ngày sống và học tập ở Glasgow (Scotland) chưa bao giờ nhạt phai trong tôi và vẫn thường hiện về trong những giấc mơ như những kỷ niệm đẹp nhất của cuộc đời.

ky-uc-glasgow

Bốn năm không quá dài nhưng cũng đủ để tạo nên trong tôi nỗi nhớ khôn nguôi về từng khu phố, con đường, những công viên và sự kiện mà tôi đã tham gia.

Lần đầu đặt chân đến nước Anh vào một ngày mưa lạnh đầu mùa Thu năm 2006, mặc dù đã được nghe nói người xứ Scot nói tiếng Anh rất khó nghe nhưng tôi vẫn bị choáng khi nói chuyện với giáo viên và người bản xứ. Và điều này cũng làm tôi cảm thấy rất tự ti.

Thế nhưng, những giáo viên hướng dẫn nghiên cứu của tôi đã làm tôi cảm thấy gần gũi và ấm áp hơn. Đó là TS. Steven McVitie, giáo viên hướng dẫn thứ nhất, một người trẻ trung, chất giọng đặc sệt xứ Scot, quanh năm chỉ bận quần jeans và áo phông, thích uống bia Stella Artois và tán gẫu, có lối giảng bài rất đơn giản và dễ hiểu.

Bốn năm làm trợ giảng cho Steven, tôi đã thấy sinh viên Khoa Vật lý và Thiên văn của Đại học thích bài giảng của Steven như thế nào và nhiều lần bình chọn anh là giảng sư xuất sắc.

Ngược với Steven, giáo viên hướng dẫn thứ hai, GS. John Chapman, lại là người có phong cách lịch thiệp và điềm đạm. John là dân English thứ thiệt, sinh ra ở thành phố Sheffield, được đào tạo ở Đại học Cambridge và là nhà khoa học xuất sắc trong chuyên ngành của tôi nhưng lại rất hiền và khiêm tốn.

John và Steven là những người đã giúp tôi thu hẹp khoảng cách thầy – trò, thay đổi cách nhìn về người Anh: họ rất thân thiện chứ không lạnh lùng như tôi vẫn nghe nói.

Năm đầu tiên ở Glasgow, tôi thường kết thúc giờ làm khá muộn, lang thang trên những con đường ở West End, lân la bắt chuyện với người dân Glasgow để tăng cường vốn tiếng Anh ít ỏi của mình và việc này đã giúp tôi rất nhiều trong giao tiếp.

Bốn năm sống ở Scotland đã làm tôi yêu giọng nói cũng như người dân xứ này, và vô tình tôi nói tiếng Anh cũng “lai” chút ít giọng của người Scotland.

Đại học Glasgow nằm ở vị trí đẹp nhất của West End, trên đỉnh Gilmore Hill, có dòng sông Kelvin hiền hòa uốn quanh. Đứng bên tháp chuông cổ kính của trường nhìn xuống có thể thấy Bảo tàng nghệ thuật Kelvingrove như một lâu đài cổ kính màu đỏ.

Kelvingrove cũng là nơi rất tuyệt để xem những tác phẩm nghệ thuật, khoa học, khảo cổ đồng thời luyện nói tiếng Anh với những hướng dẫn viên rất nhiệt tình, tốt bụng. Hầu hết họ là những người già về hưu, tình nguyện làm công việc này như một niềm say mê, yêu thích.

Đại học Glasgow luôn là niềm tự hào của thành phố với một “main building” như một lâu đài cổ. Tôi không còn nhớ đã giới thiệu với bao nhiêu bạn bè về “lâu đài cổ” này như một niềm tự hào của chính mình.

Bạn bè sinh viên Việt Nam ở nước Anh đến thăm Glasgow rất nhiều và gặp bất cứ ai chúng tôi cũng đều giới thiệu về “lâu đài cổ” này. Bên dưới chân “lâu đài” là dòng Kelvin lượn lờ uốn khúc, soi bóng những tượng vĩ nhân xưa của trường: Lord Kelvin, Lister, Adam Smith…

Sự nghiêm túc và đòi hỏi cao trong học thuật là những gì mà tôi học được ở đây cùng với sự thân thiện của giảng viên và những đồng nghiệp nghiên cứu.

Tôi cứ nhớ mãi GS. John Chapman đã khiêm tốn ngắt lời tôi trong lần đầu gặp gỡ: “Hãy gọi tôi là John như một người bạn, đừng gọi tôi là giáo sư”. Bốn năm học ở Glasgow đã trang bị cho tôi sự tự tin vào kiến thức của mình để bước chân vào con đường khoa học.

Giờ đây, xa cách Glasgow đã gần 2 năm, chúng tôi vẫn không quên được Glasgow, không quên được ngôi nhà nhỏ bên Southpark Terrace trên đỉnh Hillhead mà nhà trường dành cho chúng tôi.

Chúng tôi vẫn mơ về ngôi nhà nhỏ ấy, về những người bạn thân đã cùng chia sẻ những buồn vui trong suốt những năm tháng ở Glasgow. Những ngày tháng sống và học tập ở Glasgow sẽ là những ký ức ngọt ngào mà tôi không thể nào quên.

Ngô Đức Thế
Cựu du học sinh Đại học Glasgow
Theo DNSG
Số 120907